Hoàn thiện chính sách, tháo gỡ khó khăn để năng lượng tái tạo phát triển bền vững



Hoàn thiện chính sách, tháo gỡ khó khăn để năng lượng tái tạo phát triển bền vững

HV 23:31 6/1/2023

Ngày 6/1/2023, Diễn đàn Phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam - Tư duy và hành động trong giai đoạn mới đã diễn ra tại Hà Nội. Các ý kiến phát biểu tại diễn đàn cho rằng: Năng lượng tái tạo của Việt Nam đang cần những chính sách cụ thể hơn để phát triển bền vững. Trong đó, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này được cho là cần thiết trong lúc này.

Phát biểu tại diễn đàn, đại diện cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư, chuyên gia, diễn giả đã điểm lại kết quả phát triển năng lượng tái tạo và thực trạng thị trường năng lượng tái tạo tại Việt Nam trong thời gian qua cũng như chiến lược phát triển năng lượng tái tạo trong giai đoạn mới. Theo đó, đến hết năm 2021, tổng công suất lắp đặt nguồn điện năng lượng tái tạo đạt khoảng 20,7 GW, chiếm hơn 27% tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện, đưa Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực về gia tăng công suất nguồn điện năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, các khách mời cũng cho rằng: Ở thời điểm hiện tại, phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc, tập trung vào ba nhóm vấn đề chính.

1) Cơ chế hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo chưa có định hướng lâu dài, nhiều chính sách còn bất cập. Các dự án năng lượng tái tạo còn gặp khó khăn do thiếu các quy chuẩn, tiêu chuẩn ứng dụng công nghệ.

2) Chưa có sự phát triển đồng bộ giữa các dự án năng lượng tái tạo với lưới điện truyền tải.

3) Các dự án năng lượng tái tạo có nhu cầu lớn về vốn, nhưng rủi ro cao khiến thời gian thu hồi vốn có thể kéo dài. Trong khi đó, các tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại chưa sẵn sàng cho vay hoặc có cho vay thì lãi suất cao.

Trong đó, chỉ riêng việc thị trường năng lượng tái tạo cho giai đoạn mới chưa có chính sách gối đầu thay cơ chế ưu đãi (giá FIT) đã hết hạn đang gây không ít khó khăn cho các chủ đầu tư, doanh nghiệp trong lĩnh vực này. 62 dự án điện gió với tổng công suất 3.479 MW đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN vẫn đang chờ giá điện mới, nên chưa thể hoà lưới điện quốc gia. Các dự án điện mặt trời còn có 452,62 MW công suất lắp đặt đang chờ xác định giá bán điện mới... Thêm nữa, các chính sách liên quan như Quy hoạch điện VIII vẫn chưa được ban hành càng khiến các nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo gặp không ít khó khăn, lúng túng trong triển khai chiến lược các bước tiếp theo cũng như gây lãng phí nguồn lực xã hội.

Cũng tại diễn đàn, khách mời đã cùng thảo luận về kế hoạch đầu tư, phát triển năng lượng tái tạo từ năm 2023 để đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phát thải; các giải pháp thu hút đầu tư, nhất là vốn ngoại; xã hội hóa hoạt động đầu tư hạ tầng truyền tải. Đồng thời, đề xuất phương án cho các dự án chuyển tiếp, chính sách thúc đẩy thị trường năng lượng tái tạo bền vững, đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ xây dựng Quy hoạch điện VIII, xem xét việc xác định giá điện cơ sở để đảm bảo khả thi và phù hợp với thực tế… nhằm tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư và tạo ra thị trường năng lượng tái tạo phát triển cạnh tranh, bình đẳng trong giai đoạn tiếp theo.

Hiện tại, công nghệ năng lượng tái tạo đang phát triển vượt bậc, chi phí công nghệ đang giảm nhanh, các giải pháp công nghệ về truyền tải, lưu trữ điện có nhiều tiến bộ mới. Đây là cơ hội tốt để Việt Nam tiếp tục xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá, triển khai kế hoạch nhằm hiện thực hóa mục tiêu chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh. Có như vậy, Việt Nam mới có thể bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đến năm đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Trong khuôn khổ diễn đàn, Ban Tổ chức đã công bố và trao chứng nhận cho các dự án năng lượng tái tạo tiêu biểu năm 2022.


HV

Từ Khóa :