Tập thể cũ, sáng tạo mới



Tập thể cũ, sáng tạo mới

Trúc Lâm 0:56 1/2/2022

Tập thể cũ là di sản đô thị của Hà Nội, gắn bó với cuộc sống của hàng triệu người trong mấy thập niên. Việc tháo dỡ tập thể cũ là cần thiết. Nhưng giữ lại, ít nhất là một số tập thể cũ điển hình cũng cần thiết không kém. Thực tế cho thấy đã và đang có những sáng tạo từ cộng đồng, để tập thể cũ vừa là nơi kinh doanh, vừa mang sứ mệnh là đại diện của ký ức văn hóa Hà Nội.

Nằm lẫn trong những căn hộ tập thể, tất cả các quán trong chuỗi Cư Xá cà phê đều phải đi qua những cầu thang cũ, hẹp và thiếu sáng. Ví như để đến Cư Xá trên phố Tôn Thất Tùng (quận Đống Đa, Hà Nội), khách thường phải có chỉ dẫn, nếu không rất dễ lầm đường. Nhưng Cư Xá cà phê hiện là một thương hiệu khá nổi tiếng ở Hà Nội. Người ta sẽ muốn trở lại nếu đã một lần ghé qua. Cho dù đồ trang trí, phần nhiều được làm mới, thì những người thiết kế vẫn để chúng nhuốm màu thời gian. Gần đây, Cư Xá cà phê Tôn Thất Tùng đã thay đổi nội thất theo hướng tối giản, nhã nhặn hơn. Nhưng riêng khu vực ban công vẫn giữ chuyên “ chất” cũ kỹ. Cư Xá chỉ là một trong hàng loạt quán cà phê khác trên địa bàn Hà Nội, nằm ẩn mình trong những khu tập thể. Đó là Căng-tin Caphe, Én Tarot Café…

Không chỉ là cà phê, còn có trào lưu khác là “ tái sinh” những căn nhà trong tập thể cũ thành homestay. Cái cũ kỹ của tập thể, trong mắt các nhà thiết kế, lại là yếu tố “ lạ”, được dùng làm nền cho những phong cách sáng tạo khác nhau. Không đâu xa, ngay đầu phố Lê Phụng Hiểu có một homestay trong khu tập thể cũ, vốn rất đắt khách trước khi dịch bệnh xảy ra. Thiết kế được lấy cảm hứng từ những vật dụng thời “ ông bà ta”. Còn nhiều homestay nổi tiếng khác rải rác trong các khu tập thể cũ khắp Hà Nội.

“ Công thức” trang trí, thiết kế của cà phê hay homestay tập thể cũ khá giống nhau. Đều mang âm hưởng hoài cổ, với những hình ảnh, vật dụng gợi lại Hà Nội thời bao cấp, hoặc theo phong cách vintage, những đồ nội thất kiểu Âu. Kiến trúc sư Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư Hà Nội) cho rằng: Việc cải tạo những căn tập thể cũ đưa vào khai thác homestay vừa giúp thị trường du lịch có thêm nguồn cung phong phú về chỗ ở và trải nghiệm, vừa giúp không gian trong các khu tập thể trở nên mới mẻ và giàu sức sống. Các ngôi nhà ở sẽ được sử dụng tốt nếu như chúng ta quan tâm nâng cấp, sửa chữa. Homestay trong các khu tập thể, được đánh giá là “hơn cả một chỗ ở”. Nhiều bạn trẻ ở Hà Nội sẵn sàng bỏ tiền để có trải nghiệm.

Nhưng nói đến một không gian đậm chất văn hóa nhất, không thể không nhắc đến Ơ kìa Hà Nội. Sau mấy lần “ chuyển nhà”, không gian sáng tạo nổi tiếng đậm chất Hà thành này hiện dừng chân trong một khu tập thể. Tiếp nối những hoạt động trước đây, Ơ kìa Hà Nội “ phiên bản” tập thể cũ, vừa đưa người ta trở lại thời Hà Nội cũ, vừa là không gian diễn ra những hoạt động văn hóa.

Bắt đầu được xây dựng sau năm 1954, tập thể cũ gắn bó với cuộc đời của hàng triệu người trên mảnh đất này. Là người sinh ra, lớn lên ở khu tập thể, sau này, khi theo nghề kiến trúc, Lê Việt Hà càng nhận ra tập thể cũ rất đẹp. Không phải chỉ vì anh gắn bó. Mà bởi khi ấy, các khu tập thể được xây dựng theo “công thức vàng”. Giữa các khu tập thể là không gian cho lũ trẻ tha hồ chạy nhảy, đùa nghịch. Những bậc cầu thang có lối dắt xe ở giữa những tấm lan can, những khung cửa màu xanh... đều chất chứa kỷ niệm.

Sau này, khi dân số tăng lên, cùng sự quản lý lỏng lẻo, nên những “ba lô”, “chuồng cọp” bắt đầu “đu bám” vào những “căn nhà ký ức”. Nhà “nối ra” nhẹ thì 2-3m. Bạo gan thì cơi ra cỡ 4m. Người ta dùng không gian đó làm bếp, làm phòng ngủ... Từ đó, tập thể cũ giống cái gai trong mắt, cần phải nhổ đi.

Bởi thế, cách đây mấy năm, khi cựu Đại sứ Pháp tại Việt Nam Jean-Noel Poirier giới thiệu bộ phim thể hiện tình yêu của ông với Hà Nội, mọi người đã... ngã ngửa ra. Không phải những di tích cổ kính. Cũng không phải những kiến trúc Pháp duyên dáng mà “nhân vật chính” lại là những khu nhà tập thể cũ, ít nhất là một số khu nhà điển hình!

Không dễ hiểu đề nghị của Poirier nếu chỉ nhìn tập thể cũ qua lát cắt đương đại. Nhưng có làng quê nào, đô thị nào lại không có ký ức? Tập thể cũ đại diện cho giai đoạn phát triển không thể coi là ngắn của Hà Nội. Nhiều người muốn đập đi thật nhanh những khu tập thể cũ. Nhưng đô thị không ký ức là đô thị không có linh hồn. Chúng ta chọn những tòa chung cư cao tầng xây dựng từ sau năm 2000 đến nay là đại diện cho Hà Nội hay chọn những con phố nửa cựu, nửa kim, mặt tiền chỗ nào cũng cắt đều 3-4m? Chọn cũng không sai. Nhưng những đô thị như thế, ở Việt Nam đâu chẳng có!

Ngoài phố cổ, phố cũ, tập thể cũ cũng là di sản đô thị đặc trưng của Hà Nội. Đó là còn là nơi định hình văn hóa một thế hệ đặc biệt - những người ngoại tỉnh nhập cư, nhưng “nhập cư chậm”, bởi lượng người đổ về không ào ạt. Phần lớn là cán bộ có tri thức. Khi đến Hà Nội, nhiều người “nhập gia tùy tục”. Tập thể cũ thường chật, nhà nọ sát nhà kia. Nhà nào nhà nấy cũng phải giữ kẽ để khỏi ảnh hưởng tới gia đình bên cạnh. Ít nhiều thẩm thấu lối ứng xử của Hà thành cũ, lại cộng hưởng thói quen do môi trường đặt ra, thế hệ ấy nhanh chóng tạo ra một văn hóa mới, khá tương đồng với văn hóa Hà Nội cũ.

Hà Nội bước vào thời kỳ hiện đại. Đó cũng là lúc nhiều tập thể cũ trở thành “cao tuổi”. Một số xuống cấp đến mức nguy hiểm. Nhiều tập thể cũ cần phải dỡ bỏ. Nhưng cũng còn không ít khu nhà kết cấu bền chắc. Việc nâng cấp, cải tạo có thể bảo đảm cho cuộc sống của cư dân hàng chục năm nữa. Nhìn sâu hơn vào dòng chảy của tập thể cũ trong lịch sử Hà thành, ta bắt đầu thấy Poirier có lý... Nhiều nước trên thế giới, thay vì đập đi làm lại, đã xử lý những chung cư cũ theo hướng bảo tồn. Bản thân nước Nga, nơi tạo ra phiên bản “gốc” của tập thể cũ Hà Nội, người ta cũng bắt đầu bảo tồn tập thể cũ, coi đó là những giá trị không thể thay thế.

Tất nhiên, sẽ rất lãng phí nếu chỉ sử dụng một di sản như thế làm nơi cư trú. Sự sáng tạo của cộng đồng trong khai thác giá trị tập thể cũ vào kinh doanh là những gợi ý hay, để tập thể cũ mang sứ mệnh là một đại diện của ký ức văn hóa Hà Nội.


Trúc Lâm

Báo Hà Nội Mới số Tết 2022