Tân Hoa xã ngày 24/9 đã đưa tin về nạn đánh cắp di tích, di vật dưới đáy Biển Đông như thể toàn bộ đều thuộc quyền sở hữu của Trung Quốc. Trong khi thực tế, những di tích, di vật này có thể xuất phát từ các đội tàu buôn từ nhiều nước qua lại không may bị đánh chìm dưới đáy biển. Dưới sự mặc định mơ hồ đồ đó, hãng thông tấn Trung Quốc đã tự dùng những cổ vật mập mờ cả về niên đại, thời gian nằm dưới đáy biển cũng như chủ sở hữu để khoanh vùng chủ quyền trên khu vực, trong đó đặc biệt có quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đồng thời còn tạo cớ tiến hành các cuộc điều tra khảo cổ phi pháp, vẽ thêm lý do cho sự xuất hiện của những con tàu dân sự được trang bị chẳng khác gì tàu quân sự trên vùng biển tranh chấp. Tờ báo còn đề cập tới đơn vị hành chí phi pháp Tam Sa và mặc nhiên tuyên truyền đây là vùng do Bắc Kinh quản lý.
Trong khi đó, tờ Nhân dân Nhật báo – cơ quan truyền thông đang thường xuyên cho đăng tải hàng loạt bài viết của các học giả Trung Quốc có quan điểm cực đoan – cùng ngày công khai thể hiện quan điểm né tránh việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Theo đó, cơ quan ngôn luận của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp tục vận dụng công thức “nhỏ giọt” của các quan chức chính quyền Bắc Kinh trong việc ký kết COC. Tờ báo còn khiêu khích cho rằng: không thể đưa Trung Quốc vào khuôn khổ và tiếp tục ra đòn cô lập Philippines khi chỉ trích Manila “đang lợi dụng COC để làm tổn hại tới lợi ích Trung Quốc”.
Có thể thấy, Bắc Kinh vẫn đang thi hành chặt chẽ chính sách ngoại giao hai bước. Đầu tiên, dùng những lý do, kể cả phi lý, kích động tạo sóng ngoại giao, bày ra các trận khẩu chiến “khích tướng”, rồi sau đó lại giương cao ngọn cờ “gạt đi tranh chấp, cùng nhau khai thác”, biến từ thế đi gây hấn thành kẻ bị gây hấn song lại giàu tính khiêm nhường, luôn yêu chuộng hòa bình, ổn định trong khu vực.
Diplomat từng dẫn lời nhiều chuyên gia quốc tế đều có chung nhận định: càng sớm đạt được COC thì các nguy cơ xung đột trên Biển Đông càng giảm bớt, trong bối cảnh Trung Quốc đang dùng sức mạnh hải quân để lấn lướt và ép buộc các nước nhỏ bé trong khu vực ngồi vào bàn đàm phán song phương đối với một vấn đề đa phương. Theo Kyodo News, Bắc Kinh sẽ không muốn sớm ký kết COC với ASEAN bởi quan điểm của các quan chức Trung Quốc luôn là “tình hình Biển Đông đang
ổn định”, và cần phải “trân trọng, giữ gìn
hiện trạng này”.
Chí Đăng