Hộp đựng đồ ăn mang đi làm có thể ăn được



Hộp đựng đồ ăn mang đi làm có thể ăn được

Phương Linh 15:32 19/7/2021

Trong thời đại đại dịch, văn hóa mua mang về và các phần ăn cá nhân đang được khuyến khích. Thời gian này, chúng ta đang sử dụng khá nhiều các sản phẩm hộp đựng dùng một lần. Dự án hộp đựng đồ ăn Reuse của Forest and Whale xử lý triệt để việc sử dụng nhựa dùng một lần trong các khu ẩm thực của Singapore, đồng thời khuyến khích mọi người cũng nên sử dụng các sản phẩm đựng đồ ăn cá nhân mang tính bền vững.

Khi nhiều người ăn ở nhà hơn, chất thải nhựa tạo ra từ các hộp đựng thực phẩm sử dụng một lần làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm nhựa trong đại dương, gây hại cho sức khỏe hành tinh và gây căng thẳng cho hệ thống quản lý chất thải. Làm thế nào chúng ta có thể chuyển đổi tư duy về sự tiện lợi đã ăn sâu vào nền văn hóa vứt bỏ?

Studio thiết kế Forest and Whale đã tạo ra Reuse, một chiếc hộp đựng đồ ăn mang đi làm, có thể ăn được sau khi sử dụng. Studio thiết kết do Gustavo Maggio và Wendi Chua thành lập tại Singapore. Mục đích làm ra sản phẩm “chiếc hộp ăn được” là để cắt giảm tình trạng sử dụng nhựa dùng một lần.

Ông Gustavo Maggio, đồng sáng lập Forest & Whale, cho biết: “Hàng ngày, chúng tôi đã quan sát thấy môi trường phải chịu gánh nặng lớn do bao bì thực phẩm dùng một lần gây ra. Điều này trở nên trầm trọng hơn do nhu cầu giao thực phẩm cao vì đại dịch Covid-19. Đây là thời điểm hoàn hảo để bắt đầu dự án này.”

Gustavo Maggio và Wendi Chua, những người sáng lập ra Forest and Whale

Hộp đựng Reuse của studio được làm từ vỏ lúa mì cho phần hộp chính và PHA (chất tổng hợp từ vi khuẩn) cho phần nắp.

Theo Maggio: Vỏ lúa mì được nghiền thành những viên nhỏ hơn và sau đó bổ sung một lượng nhỏ chất kết dính tự nhiên và nước, được ép trong hai khuôn kim loại ở nhiệt độ cao. Điều này tạo ra hình dáng cuối cùng của chiếc hộp đựng đồ ăn và sẵn sàng được đưa vào sử dụng.

Chiếc hộp này có thể đựng được bất kỳ loại đồ ăn nào, nhưng với đồ ăn ướt, thời gian đựng đồ ăn không thể quá lâu. Hộp có thể giữ được món salad và nước sốt trong vài giờ, nhưng chiếc hộp bắt đầu mềm dần và mất đi độ cứng. Tốt nhất là nên sử dụng trong vòng từ 2 đến 3 giờ.

Cũng theo Maggio, hương vị của chiếc hộp thực ra không đặc biệt ngon. Mục đích chính của chiếc hộp chỉ là để đựng đồ ăn, dễ phân hủy và hạn chế rác thải nhựa, rác dùng một lần.

Chiếc hộp được thiết kế với bốn đường cắt nhỏ giúp người dùng có thể xé nhỏ các miếng hộp để ăn một cách dễ dàng, hoặc cho hộp tự phân hủy sau khi sử dụng xong.

Các nhà thiết kế đã dành nhiều thời gian để quan sát và phân tích các nghi thức ăn uống, đồng thời tìm ra cách sử dụng lý tưởng nhất cho vật liệu này.

Nếu người dùng không thích sử dụng chiếc hộp như một món đồ ăn, họ có thể “vứt” hộp vào một thùng ủ, và chiếc hộp sẽ được phân hủy trong khoảng 30 ngày.

Nắp hộp được làm từ polyhydroxyalkanoates (PHA), một hợp chất dựa trên vi khuẩn có các đặc tính tương tự như nhựa.

Chiếc nắp này không ăn được, nhưng nó cũng có thể được ủ trong các thùng ủ thông thường, và sẽ phân hủy trong vòng chưa đầy sáu tuần. Studio thiết kế cho biết, nắp hộp sẽ tự phân hủy hoàn toàn trong tự nhiên và nếu trôi vào đại dương, nó sẽ phân hủy trong vòng ba tháng mà không để lại bất kỳ hạt vi nhựa nào.

Quá trình phân hủy đơn giản của chiếc hộp có thể được các thành phố lớn và thị trấn nhỏ áp dụng để làm hộp đựng thức ăn mang về. Người ta dự đoán rằng sản phẩm này có thể được hoán đổi với các hộp nhựa khác giống như cuộc cách mạng ống hút giấy.

Forest and Whale hiện đang tạo mẫu hộp đựng Reuse và hy vọng sẽ đưa sản phẩm ra thị trường trong năm nay.


Phương Linh

Theo designsingapore