Đá biển (Sea Stone) - vật liệu bền vững làm từ vỏ sò



Đá biển (Sea Stone) - vật liệu bền vững làm từ vỏ sò

Phương Linh 22:27 1/4/2021

Hai nhà thiết kế Jihee Moon và Hyein Hailey Choi tại công ty thiết kế New Tab 22 đã tạo ra những viên đá biển, có tính chất giống như bê tông từ những vỏ sò bỏ đi. Đây là một dự án bền vững, không chất thải, đồng thời cũng tái chế lại nguồn rác thải từ nguyên liệu vỏ sò.

Theo công ty thiết kế Newtab-22, bảy triệu tấn vỏ sò bị vứt bỏ mỗi năm từ các ngành công nghiệp thủy sản và nuôi trồng thủy sản. Phần lớn trong số chúng được đưa vào các bãi chôn lấp. Thay vì để lãng phí nguồn nguyên liệu này, các nhà thiết kế đã bắt tay tái chế vỏ sò thành đá biển.

Được gọi là đá biển (Sea Stone), vật liệu này được tạo ra bằng cách nghiền nhỏ các vỏ sò, rồi sau đó kết hợp chúng với chất kết dính tự nhiên không độc hại. Cách thức này tạo ra cho Sea Stone có hình dáng giống như đá mài.

Theo Newtab-22, đá biển có thể trở thành một giải pháp thay thế bền vững cho bê tông trong thiết kế các sản phẩm quy mô nhỏ, vì hai vật liệu này có các đặc tính tương tự nhau. Điều này là do vỏ sò rất giàu canxi cacbonat, hay còn được gọi là đá vôi, được sử dụng để sản xuất xi măng, một thành phần chính của bê tông.

Ý tưởng về Sea Stone được phát triển từ tham vọng của Newtab-22 giúp giảm bớt vấn đề chất thải của ngành thủy sản, khi Newtab-22 tìm được thông tin có đến bảy triệu tấn vỏ sò bị loại bỏ mỗi năm trên các bãi biển và bãi chôn lấp.

Đại diện công ty thiết kế cho biết thêm: Những vỏ sò bỏ đi, nếu không được rửa sạch hoặc quá mục nát mà không được dọn sạch sẽ chất thành đống gần bãi biển, lâu ngày tạo ra mùi hôi và gây ô nhiễm xung quanh. Việc tạo ra những viên đá biển Sea Stone sẽ biến những viên đá này thành chất liệu bền vững về mặt kinh tế và môi trường, hơn là tạo thêm gánh nặng về vấn để rác thải của thế giới.

Quá trình sản xuất đá biển bao gồm việc mài nhỏ vỏ sò và trộn chúng với chất kết dính tự nhiên. Sau đó, chúng được đổ vào khuôn và chờ đông đặc thành các mảnh giống như bê tông.

Phương pháp này được thực hiện thủ công để tránh sử dụng nhiệt, điện và hóa chất trong quá trình xử lý, đảm bảo quy trình bền vững và hợp lý nhất có thể. Điều này có thể dẫn đến sự thay đổi kích thước, kết cấu và màu sắc của các mảnh vỏ sò. Mỗi mảnh đá biển được tạo ra luôn là duy nhất. Sự khác biệt cũng có thể xảy ra bằng cách thay đổi số lượng vỏ sò, chất kết dính, hoặc bằng cách đổ thêm thuốc nhuộm màu.

Newtab-22 đã thử nghiệm với một loạt các chất kết dính tự nhiên trong quá trình phát triển đá biển, bao gồm đường và thạch. Công ty đang trong thời gian chờ được cấp bằng sáng chế.

Vật liệu này hiện đang được phát triển cho mục đích thương mại. Cho đến nay đá biển vẫn được sử dụng để làm các sản phẩm như gạch trang trí, mặt bàn, giá đỡ và bình hoa.

Tuy nhiên, gạch đá biển không có sẵn để chủ động thay thế cho bê tông trong các dự án quy mô lớn.

Mặc dù các đặc tính của bê tông và đá biển tương tự nhau, nhưng để thực sự tái tạo độ bền của bê tông truyền thống trong các dự án quy mô lớn như các tòa nhà, cần phải có một quy trình gia nhiệt tiêu tốn nhiều năng lượng.

Các phương pháp được sử dụng để sản xuất xi măng, bê tông đã tạo ra rất nhiều khí thải CO2.

Hyein Choi, đồng sáng lập của Newtab-22, giải thích: “Chúng tôi không muốn làm tổn hại đến môi trường trong quá trình sản xuất vật liệu”.

Hai nhà thiết kế Choi và Jihee Moon cũng là những người sáng lập ra công ty Newtab-22, và cả hai đã tham gia khóa học về “sản phẩm thiết kế” của Đại học nghệ thuật Hoàng gia. Thời điểm đó, họ được truyền cảm hứng về việc sử dụng các vật liệu bỏ đi để tạo ra những thiết kế mới lạ.

Tới giờ, hai nhà thiết kế đã chuyển đến Seoul, Hàn Quốc để tiếp tục phát triển dự án của mình vì họ cho rằng vấn đề chất thải thủy sản đang tràn lan tại đây.

Choi cho biết: “Chúng tôi khởi động dự án khi đang ở London, và tiếp đó sẽ tới Seoul. Quá trình chuyển đổi này cho phép chúng tôi thu thập vỏ sò bị loại bỏ ở quy mô lớn hơn nhiều so với những gì chúng tôi sẽ đạt được ở Anh, vì miền nam Hàn Quốc đang phải gánh chịu hàng tấn vỏ sò bị loại bỏ từ các ngành thủy hải sản”.

Sea Stone đã được lọt vào danh sách Giải thưởng Dezeen 2020 ở hạng mục Thiết kế bền vững.


Phương Linh

Theo Setting Mind