Thông tin được Luật sư chính của Philippines là ông Francis Jardeleza tiết lộ danh tính 3 người cuối cùng sẽ tham gia xét xử trong vụ kiện này. Đó là Jean-Pierre Cot (Pháp), Chris Pinto (Sri Lanka) và Alfred Soons (Hà Lan). Trước đó, thẩm phán Stanislaw Pawlak (Ba Lan) là thành viên chỉ định đại diện cho Trung Quốc và Philippines đề cử Rudiger Wolfrom (Đức) làm thẩm phán đại diện. Hội đồng trọng tài này và chủ tọa ITLOS sẽ thụ lý hồ sơ của Philippines.
Bên lề Hội nghị thượng đỉnh ASEAN, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết, trong tháng 7 tới, thẩm quyền của Hội đồng trọng tài sẽ được quyết định cụ thể và hy vọng vụ kiện của Philippines sẽ nằm trong thẩm quyền đó. Theo Điều 9 của Phụ lục 7 của UNCLOS quy định rằng: “Nếu một trong các bên tranh chấp không xuất hiện trước hội đồng trọng tài hoặc không bảo vệ vị trí của mình thì bên kia có quyền yêu cầu tòa án tiếp tục tố tụng và đưa ra lý lẽ của mình. Sự vắng mặt của một bên hay một bên không bảo vệ lý lẽ của mình sẽ không cản trở quy trình tố tụng. Trước khi đưa ra phán quyết của mình, Hội đồng trọng tài phải đảm bảo rằng không chỉ có thẩm quyền đối với các bên tranh chấp mà còn yêu cầu bồi thường trên cơ sở thực tế và pháp luật.”
Hiện nay, vụ kiện Philippines được coi là tiền lệ trong tranh chấp Biển Đông và Trung Quốc vẫn tiếp tục bỏ qua luật pháp quốc tế, thậm chí dùng vụ kiện này để trì hoãn đàm phán COC.
Nhận định về vụ kiện của Philippines, trên tờ Tuổi trẻ số số 21/2, Tiến sĩ luật Nguyễn Vân Nam từ Cộng hòa Liên bang Đức cho biết ngay cả khi Manila không hy vọng thắng kiện thì việc này đã cho thấy Philippines đã chủ động tự vệ và ngăn chặn nguy cơ Bắc Kinh sử dụng vũ lực chống lại mình.
Có thể thấy, nguy cơ dùng vũ lực hoàn toàn có căn cứ khi hải quân Trung Quốc đang ngày càng lấn lướt trong vùng Biển Đông.
|
Hải Diên