“Xách sữa lên” và “âm thầm” đi



“Xách sữa lên” và “âm thầm” đi

Toàn Phong 14:54 3/10/2013

Bên cạnh một thị trường sữa ngoại luôn tăng giá chóng mặt, “lách luật” bằng mọi cách, còn có một thị trường sữa “xách tay” sôi động không kém. Giá của những hộp sữa như thế còn cao hơn gấp rưỡi những hộp sữa ngoại nhưng các bà mẹ vẫn rất ưa chuộng. Nhưng trên thực tế, những hộp sữa này được mua chỉ bằng lòng tin giữa người bán và người mua, bởi chẳng có một điều gì đảm bảo chất lượng sữa bên trong ra sao, nếu xảy ra sự cố gì thì cũng chẳng ai chịu trách nhiệm.

Sữa có vấn đề chẳng biết kêu ai?
 
Sau sự cố sữa ngoại nhiễm khuẩn, chị Thư tại Bái Ân (Tây Hồ) định đổi sang sữa nội cho con uống, nhưng khi hỏi mua loại sữa Dielac của một công ty sữa nội thì chị được người chủ cửa hàng sữa trên đường Lạc Long Quân, gần nhà chị, tư vấn cho là loại sữa nội này cũng dính nghi vấn nhập khẩu sữa nhiễm khuẩn. Vậy là để “an toàn” chị chấp nhận mua một hộp sữa “xách tay” từ Nga cho con với giá 590.000 đồng, gấp rưỡi với các loại sữa ngoại hay mua và gấp đôi với hộp sữa nội định mua.
 
So sánh với các loại sữa trước đây, chị Thư cho biết sữa xách tay có mùi thơm hơn và khi pha vào nước, sữa tan nhanh hơn chứ không bị vón cục. Nhưng chị cũng cho hay, có lần mua loại sữa “xách tay” này về, chị pha cho con uống như bình thường nhưng khoảng 1 giờ sau bé bắt đầu nôn trớ. Tưởng con cảm gió nên chị chỉ cho bé nằm nghỉ và ăn đồ loãng nhẹ, không cho bé uống sữa để đỡ cảm giác ghê cổ, vậy là đến chiều bé lại ăn uống bình thường.
 
Sáng hôm sau, nghĩ con đã trở lại bình thường, chị lại pha sữa cho bé uống thì chuyện tương tự hôm qua lại lặp lại. Đoán là chất lượng sữa có vấn đề, ông xã chị tình nguyện làm “vật thí nghiệm” uống một chút sữa của con xem sao, khoảng một lúc sau anh cũng có cảm giác ghê cổ, muốn ói. Đem hộp sữa ra hỏi cửa hàng, người bán cũng chẳng biết nói thế nào bởi mùi sữa vẫn thơm, hơn nữa, hộp cũng không bị bong tróc méo mó gì, hạn sử dụng còn đến tận 2016, vậy nên chị Thư cũng chẳng biết bắt đền ai mà tự ngậm ngùi bỏ đi hộp sữa gần 600.000 đồng, kèm nỗi hoang mang về chất lượng các loại sữa hiện hành.
 
Loạn giá sữa xách tay
 
Dù đến nay, nhiều bà mẹ đã tìm hiểu và có kiến thức về các loại sữa, nhưng với những bà mẹ lần đầu mua sữa cho con cũng không tránh khỏi những lời “đường mật” của người bán hàng, bởi với mặt hàng sữa xách tay, giá cả không hề thống nhất, mỗi cửa hàng tùy theo giá nhập mà “hét” tiền cao với khách hàng. Với loại sữa N như của chị Thư mua ở trên, qua khảo sát nhỏ ở khu vực phường Bưởi, tại cửa hàng trên đường Hoàng Hoa Thám bán với giá 590.000 đồng, nhưng đi vòng xuống Thụy Khuê, giá đã là 610.000 đồng. Phóng viên Sống Mới đi xem tiếp ở một cửa hàng nữa trên đường Lạc Long Quân thì được biết giá hộp sữa đó ở đây là 605.000 đồng.
 
Chính vì giá cả “linh hoạt” như vậy nên cửa hàng nào cũng bày rất nhiều các loại sữa “xách tay” như Enfamil Infant, Similac Go&Grow, Meiji... và luôn được người bán hàng “dồn” khách vào mua những sản phẩm này với lời quảng cáo sữa “xách tay” mới về, rất nhiều tác dụng, uống tốt cho bé… khiến các bà mẹ bị “thôi miên” mà móc hầu bao mua ngay cho con dù biết là giá cao.
 
Trên các website bán hàng, khá nhiều thương hiệu sữa xách tay từ Pháp, Nga như sữa Nan, sữa Enfagrow Older Toddler số 2 của MeadJohnson, sữa PediaSure Complete của Abbott-Mỹ, Aptamil 2+ (600 g) của Anh hay sữa dê Vitacare 1 của Nga… được quảng cáo rất phong phú. Đi cùng với hình ảnh sản phẩm là những dòng hướng dẫn sử dụng, giới thiệu sữa gồm các thành phần gì, chức năng của sản phẩm… nhưng trên vỏ hộp sữa lại hầu như là không có nhãn phụ tiếng Việt.
 
Thường hay cho con dùng sữa Vitacare vì có được mối quen xách tay từ Nga về, chị Hương (Cầu Giấy) cho hay là được bạn bè giới thiệu về tác dụng của sữa nên cho con dùng thử rồi quen, còn trên vở hộp sữa ghi gì chị cũng không quan tâm lắm, mà có để ý cũng chả đọc được vì toàn chữ tiếng Nga. Vì thế, muốn hiểu các vỏ hộp sữa “nói gì”, một số các bà mẹ truyền kinh nghiệm cho nhau là nhờ Google dịch hộ.
 
Sữa xách tay ở đâu mà lắm thế?
 
Trong khi tại Trung Quốc, các ông bố bà mẹ sính sữa ngoại khiến Hong Kong lẫn Úc và một số nước có dân Trung Quốc đến du lịch đã cấm du khách không được mang quá 2 hộp sữa ra khỏi nước họ khi xuất cảnh để chống buôn lậu, thì có lẽ người Việt Nam “kín đáo” hơn nên chưa bị chú ý. Phát biểu trên báo Pháp luật TP.HCM, ông Dương Thanh Hoàng, Chi cục phó chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, cho biết hàng xách tay chủ yếu đi bằng đường hàng không, do người quen mang về làm quà biếu tặng.
 
Còn theo anh Huy ( Hà Đông) cho hay, gia đình anh trước đây cũng nhờ người quen đi thăm con đang học ở Anh hoặc thăm người nhà ở Pháp để mang mỗi lần 5, 6 hộp sữa xách tay mỗi chuyến đi về. Nhưng sau này chính người quen cũng từ chối không xách hộ vì họ nhẩm tính mua một hộp sữa được trợ giá bên Anh tầm khoảng 12 bảng (khoảng 300.000 đồng) về Việt Nam có thể bán lên đến 800.000 – 900.000 đồng/hộp. Tính ra chỉ xách khoảng vài hộp sữa bán ra ngoài là họ đã có vài triệu bỏ túi.
 
Vì thế, có một dạo du học sinh Việt Nam tại Anh, trong hành trang về nước đều có vài hộp sữa “làm quà” kiếm tiền “tiêu vặt”. Nhưng đến thời điểm hiện tại, Anh quốc cũng đã hạn chế người Việt “xách” sữa ồ ạt và cũng chỉ cho xuất cảnh 2 hộp sữa/ người. Còn tại nước Đức thì hiện vẫn chưa có lệnh cấm bởi sữa xách tay từ nước này hình như chưa được ưa chuộng trên thị trường Việt Nam.
 
Ông Đỗ Thanh Lam, Cục phó cục Quản lý thị trường, cho biết luật đã có quy định: tất cả các loại sữa lưu thông tại thị trường Việt Nam phải được sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, nhà phân phối phải có đầy đủ chứng từ theo quy định mới được thông qua. Vì vậy, thực chất sữa xách tay đang là sản phẩm bất hợp pháp trên thị trường bởi đây là mặt hàng cần có sự quản lý và kiểm soát của cơ quan chức năng về chất lượng và giá cả. Rất có thể sữa xách tay kém chất lượng hoặc quá hạn sử dụng vẫn được người ta tẩy xóa lại để bán ra thị trường kiếm lời mà chẳng bị kiểm tra. Hơn nữa, theo ông Lam cho hay, vì người bán không bày công khai (?), cộng với chứng từ hóa đơn được chủ cửa hàng hợp thức hóa bằng các chứng từ khác nên cơ quan chức năng kiểm tra khó kiểm tra.
 
Nói vậy để thấy, cho đến lúc này, thị trường sữa xách tay vẫn rất sôi động và lôi kéo được rất nhiều phụ huynh tin dùng. Trong khi đó, cơ quan quản lý vẫn chịu, chưa có phương cách gì hữu hiệu để kiểm soát mặt hàng sữa xách tay này.
 
Cuộc “phiêu lưu” của những hộp sữa xách tay chẳng khác nào những chuyến đi của tác giả Huyền Chíp với cuốn hành trình “Xách ba lô lên và đi”. Chúng cũng nhập cảnh vô tư mà không biết mình “vào” đất Việt bằng cách nào, nhưng chỉ biết rằng, trong các loại sữa được ưa chuộng trên thị trường Việt Nam, sữa xách tay hiện giờ được đánh giá về chất lượng và giá cả vẫn thuộc hàng “sao” dù cũng đã có không ít xì căng đan. Nhưng người “hâm mộ” là thế, vẫn rất cuồng nhiệt móc hầu bao trả tiền cho “thần tượng” và rồi đối với sữa xách tay, chỉ đến khi nào các “thiên thần nhỏ” của họ có vấn đề gì, lúc đó họ mới thấy sợ và “âm thầm” mua sữa khác mà thôi. 
 

Toàn Phong

Từ Khóa :