Vỏ mì tôm có thể biến thành túi xách, bông tai độc đáo



Vỏ mì tôm có thể biến thành túi xách, bông tai độc đáo

P.V 0:49 19/6/2021

Vô tình bén duyên với những chiếc vỏ mì tôm tưởng chừng hay bị vứt thùng rác, cô giáo trẻ tại Hà Nội đã cùng học trò hô biến thành những chiếc túi xách, bông tai, hộp bút, lọ hoa... thật độc đáo.

Những chiếc túi xách, bông tai vui mắt

Những ngày đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, một cô giáo trẻ giữa Thủ đô đã cùng học trò hiện thực hóa ước mơ góp sức mình vì một hành tinh xanh, với trăn trở “không muốn những chiếc vỏ mì tôm kết thúc số phận trong thùng rác hay lang thang ngoài môi trường”. Đó là cô giáo Vũ Thị Thảo (sinh năm 1988) - giáo viên dạy thể chất tại trường Trung học Vinschool Times City (Hà Nội).

Vốn là cô gái năng động và xuất thân từ vai trò vận động viên võ thuật chuyên nghiệp, nhưng nữ giáo viên lại sở hữu khả năng sáng tạo và sự tỉ mỉ, khéo léo đáng nể. Điều đó được nhiều bạn bè đánh giá là một sự trái ngược đầy thú vị.

Tháng 2/2020, hưởng ứng Tuần lễ bảo vệ môi trường do trường phát động trong thời gian giãn cách xã hội, cô Thảo bắt tay vào làm các sản phẩm từ chai nhựa, vỏ bánh kẹo, giấy nhưng đều không thành công. “Vô tình, tôi thử với những chiếc vỏ mì tôm thì cho ra kết quả rất ưng ý. Tôi tin rằng, có thể làm được những sản phẩm đa dạng hơn nữa” - cô Thảo chia sẻ.

Cô Thảo cùng học trò chăm chút với những sản phẩm từ vỏ mì tôm

Khi sáng tạo thành công những sản phẩm đầu tay, cô ấp ủ việc mở rộng và lan tỏa hoạt động tái chế bảo vệ môi trường, hướng đến lối sống xanh. “Tôi thích màu xanh tượng trưng cho hòa bình. Màu xanh cũng chính là niềm hy vọng xanh của cây, của biển, của trời” - đó là lý giải cho cái tên dự án “Mì tôm xanh” ra đời.

Từ những ngày đầu tiên, cô Thảo vừa đăng tin tuyển thành viên, kêu gọi mọi người tham gia vào dự án và góp vỏ mì tôm; vừa lan tỏa dự án với đồng nghiệp, với học sinh và ngay tại nơi sinh sống.

Nhắc đến những trở ngại trong quá trình thực hiện dự án, ánh mắt cô chợt chùng xuống: “Khi gom vỏ mì tôm tham gia vào dự án, không ít người nói tôi “Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”; có những cộng tác viên bị nói “là hâm, là dở hơi, mang vỏ mì tôm về làm gì, mang rác về làm gì?...”, những câu nói ấy như từng lưỡi dao cứa vào ý tưởng của chúng tôi. Tôi tự vực bản thân mình mạnh mẽ, dặn lòng không để tâm đến những lời lẽ không hay, sản phẩm và những giá trị đối với môi trường sau này sẽ là câu trả lời cho tất cả”.

Một số sản phẩm “bắt mắt” khiến ít ai biết được tạo thành từ vỏ mì tôm

Tìm được những thành viên tham gia vào dự án, thông điệp dường như đã được lan tỏa đến nhiều người hơn, chính là điều khiến cô giáo trẻ vui hơn bao giờ hết. Mỗi sản phẩm hoàn thiện đều gặp những khó khăn khác nhau, nhưng nhận được sự ủng hộ từ phía học trò, cô Thảo lại có thêm động lực để thực hiện những điều mình muốn. “Điều khiến tôi cảm thấy hạnh phúc nhất chính là các em học sinh đã chủ động liên hệ để tham gia dự án, có em còn vận động người thân trong gia đình thu gom vỏ mì tôm để ủng hộ” - đôi mắt nữ giáo viên ánh lên một niềm tự hào.

Cô Thảo cho biết, sau hơn một năm đi vào hoạt động, câu lạc bộ “Mì tôm xanh” hoạt động với hơn 40 thành viên, cũng chính là học sinh trong trường và hơn 200 cộng tác viên trên toàn quốc.

Ngày càng có nhiều học sinh cùng tham gia “Mì tôm xanh”, đó là niềm vui của cô giáo trẻ

Trước đây, các bạn học sinh thường tranh thủ những buổi sau giờ học để tụ họp cùng cô Thảo tại phòng thể chất, tiếp tục hô biến những chiếc vỏ mì tôm thành vật dụng trong gia đình, vẽ tiếp hành trình tái chế và sống xanh. Học sinh thường hỗ trợ thu gom, vệ sinh và xử lý vỏ mì tôm, còn công đoạn tạo khuôn, đan lát đều do một tay cô Thảo đảm nhiệm.

Cô Thảo vừa là người hoàn thành những chiếc túi độc đáo, vừa kiêm luôn “người mẫu” giới thiệu sản phẩm

Tuy nhiên, vào những thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp ngoài cộng đồng như hiện nay, các thành viên tự gom vỏ mì và thực hiện tại nhà theo những đoạn video hướng dẫn của cô quay trước đó. Riêng cô Thảo, trong thời điểm không phải lên lớp mỗi ngày, cô có thêm thời gian để hoàn thành những sản phẩm tỉ mỉ hơn và mang tính sáng tạo thẩm mỹ cao hơn.

Từ túi xách...

... đến bông tai

Giờ đây, mọi sản phẩm tái chế do câu lạc bộ làm ra đều được ủng hộ với số lượng lớn. Những chiếc túi xách, bông tai, ống đựng bút, hộp đựng khăn giấy, giỏ đựng hoa quả, miếng lót cốc, lọ hoa... từ vỏ mì tôm dần trở thành sản phẩm được nhiều người ưa chuộng.

Mỗi sản phẩm cầu kỳ sẽ cần đến khoảng 300 chiếc vỏ mì tôm và 12 tiếng chăm chút, tỉ mỉ để hoàn thiện. Để tạo ra những chiếc túi xách đặc biệt, cô Thảo cũng liên hệ với các chủ tiệm may để xin lại vải thừa, tận dụng tối đa mọi nguồn rác thải để tạo thành sản phẩm.

Góp quỹ vắc-xin Covid và giúp trẻ em nghèo từ “rác thải”

Hành trình sống xanh của cô trò trong dự án chưa dừng lại khi những sản phẩm được đón nhận nhiệt tình. Số tiền bán sản phẩm đều được chia sẻ đến các quỹ hỗ trợ vắc-xin phòng chống Covid-19, quỹ ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Trung và giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong chương trình Cặp lá yêu thương.

Cô giáo trẻ bày tỏ: “Tôi yêu thích công việc này không chỉ bởi khi sản phẩm được hoàn thành, trao đến tay người mua cũng là lúc mình vừa thực hiện được một việc làm ý nghĩa cho môi trường, mà còn có thể giúp đỡ được phần nào trong cuộc chiến phòng chống dịch của đất nước, giúp được các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn”.

Học sinh tiểu học cũng hào hứng muốn tham gia hoạt động của “Mì tôm xanh”

Bật mí về những dự định trong thời gian tới, Chủ nhiệm câu lạc bộ “Mì tôm xanh” chia sẻ: “Tôi đã dành khoảng thời gian một năm đầu tiên để đào tạo học sinh và các thành viên trong nhóm làm thành thạo từng sản phẩm. Mặc dù hiện tại, đang gặp phải “lực cản” rất lớn là dịch Covid-19, chúng tôi đã phải tạm dừng nhận vỏ mì tôm cũng như dừng các hoạt động bán hàng, nhưng vẫn hy vọng bước qua giai đoạn này, chúng tôi sẽ bắt đầu một hành trình “dài hơi” hơn. Học sinh của tôi cũng đang nghiên cứu để giới thiệu mặt hàng sang thị trường quốc tế, hy vọng sẽ có thêm những cơ hội mới.

Câu lạc bộ tham gia trưng bày sản phẩm trong buổi phát động phong trào “Ươm mầm xanh” tại Cung Thiếu nhi Hà Nội

Câu lạc bộ “Mì tôm xanh” sẽ đến các trung tâm bảo trợ xã hội và dạy cách tái chế, sáng tạo những sản phẩm này cho các em nhỏ, cho người khuyết tật. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có thể hướng dẫn cho người vô gia cư tại Hà Nội hoặc tìm đến hội Phụ nữ, sẽ huy động được nguồn nhân lực lớn để sản xuất sản phẩm với quy mô lớn hơn. Tôi nghĩ, đây sẽ là công việc vừa giúp những hoàn cảnh éo le có thêm thu nhập, góp phần bảo vệ môi trường, lại vừa truyền tải được lối sống xanh đến với mọi người”.

Học sinh Nguyễn Thành Công (trường Trung học Vinschool Times City) chia sẻ: “Đầu năm học lớp 11, em đã bày tỏ mong muốn được tham gia, vì muốn được góp sức giúp đỡ cho cộng đồng. Trở thành thành viên của đại gia đình “Mì tôm xanh”, em thực sự cảm thấy rất hạnh phúc. Qua gần một năm tham gia, em thấy mình rất may mắn khi có thêm nhiều mối quan hệ mới, được giao lưu và học hỏi thêm nhiều điều. Lúc đầu học đan, em không quen nhưng quen rồi thì mê lắm!

Hoạt động của câu lạc bộ đều rất tuyệt vời và có ý nghĩa đối với cộng đồng, không những nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường của chúng ta mà còn giúp đỡ rất nhiều hoàn cảnh khó khăn trên cả nước”.

Dự án giành giải Ba tại cuộc thi Sáng kiến Thanh niên Trả xanh cho biển

“Trước tình hình biến đổi khí hậu hiện nay, việc làm ra những sản phẩm tái chế góp phần không nhỏ vào hành trình bảo vệ môi trường. May mắn khi, giờ đây, những bạn trẻ cũng đang dần quan tâm đến các dự án cộng đồng, các bạn trẻ đã có góc nhìn thực tế hơn về rác, về xã hội. Vì thế, các bạn đã có những suy nghĩ, tư tưởng tích cực hơn trong việc tái chế, từ những việc nhỏ bé nhưng lại có ý nghĩa rất lớn” - cô giáo trẻ tâm sự.

Một mẫu túi xách được nhiều người yêu thích

Ngày 5/9/2020, sáng kiến tái chế vỏ mì tôm của câu lạc bộ đã giành giải Ba tại cuộc thi Sáng kiến Thanh niên Trả xanh cho biển (To blue the blue) do VNMAM và Quỹ ASEAN tổ chức cho các thí sinh từ 16 - 25 tuổi trên cả nước.

Tháng 11/2020, “Mì tôm xanh” tiếp tục giành giải Nhì cuộc thi Phác họa Sống xanh - Cách “Gieo mầm” cho Trái Đất 2020 do GLUE Project tổ chức.

Một số mẫu túi xách và các sản phẩm khác được hô biến từ vỏ mì tôm:


P.V

Từ Khóa :