Tỷ lệ già hóa dân số Việt trên 40%, nguy cơ vỡ quỹ lương hưu cao
Nghĩa Thư
18:14 20/5/2013
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê về Điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình, tính đến 1/4/2012, dân số Việt Nam là 88.526.883 người, song tỷ lệ già hóa đang tăng nhanh.
Tỷ trọng dân số dưới 15 tuổi của Việt Nam năm 1999 ở mức 33,1% thì năm 2012 chỉ còn 23,9%, còn số người già trên 65 tuổi từ chiếm 5,8% dân số thì đến năm 2012 là 7,1%. Như vậy, tỷ lệ già hóa (cách tính số dân trên 60 tuổi so với số dân dưới 15 tuổi) đã tăng từ 24,3% năm 1999 lên tới 42,7% năm 2012. Tổng cục thống kê nhận định, tốc độ già hóa của Việt Nam thuộc dạng khá nhanh trong hai thập kỷ qua.
Chỉ số già hóa cho thấy tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đang tăng lên, trong khi tỷ suất sinh và tỷ suất chết giảm. Nếu đây được coi là thành tựu về y tế và dinh dưỡng tại Việt Nam thì đi cùng nó lại là nhiều mối lo hơn là sự vui mừng. Tốc độ già hóa nhanh sẽ sớm dẫn đến thách thức cho một nền kinh tế đang ngả nghiêng trong khi đòi hỏi của chương trình an sinh xã hội sẽ ngày càng nặng nề. Chỉ số già hóa cũng sẽ khiến thị trường lao động tại Việt Nam mất sức hút và đối mặt với nguy cơ đánh mất các nhà đầu tư quốc tế. Đây là một trong những vấn đề đau đầu của những nước mới phát triển nhưng đã già như Trung Quốc, khi chỉ 40 năm nữa sẽ có khoảng 500 triệu người già. Thậm chí đối với những nước đã phát triển như Nhật Bản, dân số già là một trong nhân tố khiến nền kinh tế phục hồi rất chậm.
Tại Việt Nam, với ngân sách eo hẹp, chương trình an sinh xã hội cho dân số “già” sẽ trở thành một gánh nặng. Đáng lo hơn, quỹ lương hưu với cơ cấu “lấy tiền người đang lao động trả cho người đã nghi hưu trong thời điểm hiện tại - PAYG” sẽ sớm rơi vào tình trạng cạn kiệt. Theo Sài gòn tiếp thị (20/5), độ chênh lệch thu chi trong quỹ lương hưu sẽ bằng không vào năm 2024 và đến năm 2037 mức tích luỹ của quỹ cũng sẽ cạn kiệt. Còn theo Tổ chức lao động Quốc tế - ILO, quỹ lương hưu của Việt Nam sẽ vỡ vào năm 2029 (Dân Trí 3/8/2012).
Theo tính toán của nhiều chuyên gia, với mức đóng và mức lương hưu theo quy định hiện tại, một người đi làm trong 30 năm sau khi về hưu sẽ nhận lại tất cả những khoản họ đã đóng tối đa trong mười năm. Trong khi đó thời gian nghỉ hưu trung bình hiện nay đã lên đến 19 năm do tuổi thọ trung bình tăng lên, khiến tình trạng mất cần bằng dài hạn trong mức chi trả của quỹ hưu trí. Không chỉ vậy, để đảm bảo sự cân bằng của hệ thống lương hưu hiện hành, thế hệ trẻ hiện tại và đặc biệt là thế hệ trẻ tương lai sẽ phải chịu mức đóng góp ngày càng lớn, hoặc mức thụ hưởng ngày càng thấp khi số người già nhiều hơn số người trẻ. Câu hỏi lớn được đặt ra là ngân sách của chính phủ có khả năng trợ cấp cho quỹ lương hưu, cách phân định đối tượng được trợ cấp là ai, người thu nhập thấp hay toàn bộ hưu trí?
SGTT
|
Nghĩa Thư
Từ Khóa :