Tự làm chiếc Fruitcake ngon trong mùa Giáng Sinh



Tự làm chiếc Fruitcake ngon trong mùa Giáng Sinh

Phương Linh 10:43 7/12/2022

Với những tín đồ yêu bánh ngọt, Fruitcake chắc hẳn không phải là một cái tên xa lạ. Ngày nay, món bánh này phổ biến tới nỗi nó có thể trở thành một món… ăn vặt chứ không chỉ được thưởng thức trong các ngày lễ lớn. Và chẳng biết tự bao giờ, cứ nhắc tới Fruitcake, chúng ta sẽ nhớ đến sự có mặt của chiếc bánh này trong những dịp lễ hội vui tươi, đầm ấm vào dịp cuối năm, đặc biệt là ở dịp lễ Giáng sinh.

Sao lại được gọi là Fruitcake (bánh trái cây)?

Đúng như tên gọi, bánh trái cây chứa hỗn hợp trái cây ở dạng khô, các loại hạt và gia vị bên trong. Những hỗn hợp này có thể chế biến đơn giản, nhưng một số khác lại được ngâm và ủ bằng rượu mạnh.

Vì hương vị của bánh đa dạng và kết cấu bánh đặc, người ta cứ thế cắt bánh thành từng miếng và thưởng thức, chứ không cần phải phết mứt lên trên mặt bánh. Bánh cũng có  thể giữ được lâu, từ 2 đến tận 6 tháng không cần chất bảo quản.

Tìm hiểu một chút về nguồn gốc Fruitcake

Một số nhà sử học cho rằng bánh trái cây đã tồn tại từ thời Ai Cập cổ đại, nơi bánh được để bên trong các ngôi mộ của người đã khuất. Họ cho rằng những chiếc bánh được dùng làm thức ăn cho người ở thế giới bên kia.

Thời La Mã, những người lính mang theo bánh trái cây, được gọi là “satura” vào trận chiến. Họ sử dụng lúa mạch nghiền cho thành phần chính của bánh, sau đó đính thêm hạt thông, nho khô và hạt lựu lên trên. Những chiếc bánh này cực kỳ dễ mang theo và sẽ để được rất lâu mà không bị hư. Satura có thể là tổ tiên ban đầu của bánh trái cây.

Thời Trung cổ, những loại bánh trái cây phổ biến nhất sử dụng hỗn hợp mật ong, gia vị và quan trọng hơn là trái cây được bảo quản. Tuy nhiên, những chiếc bánh thời ấy giống như một loại bánh mì có chút hoa quả, không phải là loại bánh dày, đặc, béo mà chúng ta thấy ngày nay.

Mãi cho đến cuối thời Trung cổ, những phiên bản sớm nhất của một loại bánh trái cây đa dạng hơn xuất hiện. Do các thành phần kỳ lạ của chúng, hầu hết dân chúng coi những món tráng miệng này là món xa xỉ chỉ dành cho những dịp đặc biệt.

Tại sao người ta ăn Fruitcake trong dịp Giáng sinh?

Fruitcake từng được những người lính La Mã cổ đại mang theo trong trận chiến, và nó còn được phục vụ như một chiếc bánh trong đám cưới của hoàng gia Anh. Vì vậy, làm thế nào mà loại bánh này lại được ăn trong dịp Giáng sinh? Nhiều người nói rằng bánh trái cây được nhắc đến trong bài hát mừng Giáng sinh “We Wish You A Merry Christmas” khi họ hát về “bánh pudding béo ngậy”. Theo họ, bánh hoa quả được mang đến cho những người nghèo ở

Anh để đón Giáng sinh, và đó có thể là lý do khiến chiếc bánh trở nên phổ biến trong những ngày lễ. (Bánh pudding ở Anh thời đó thường có các thành phần hạt và trái cây như bánh Fruitcake bâygiờ).

Tại sao Fruitcake để được lâu?

Tới giờ, để chuẩn bị cho lễ Giáng sinh, nhiều người bắt đầu sửa soạn làm bánh Fruitcake ngay từ những ngày đầu tháng 12.

Bánh trái cây có thời hạn sử dụng lâu vì trong bánh có cồn. Từ thế kỉ 17, người ta trộn hạnh nhân, hạt điều, nho khô, chà là, anh đào, đinh hương, nhục đậu khấu, mận khô, kẹo trái cây với nhau, rồi ngâm trong rượu rum, rượu mạnh, rượu vang hoặc hỗn hợp nước ép trái cây.

Quá trình này làm tăng thời hạn sử dụng của Fruitcake. Rượu đóng một vai trò quan trọng trong tuổi thọ của bánh trái cây thông qua một quá trình gọi là biến tính. Sự biến tính xảy ra khi rượu phá vỡ lớp chất béo bao bọc tế bào vi khuẩn.

Ngoài ra, đường, mật ong cũng là những chất bảo quản rất tốt. Đường cô đặc khiến vi khuẩn và các vi sinh vật khác mất nước và co lại. Tùy khẩu vị và tùy cách làm bánh, mỗi người thợ bánh đều có bí quyết riêng để cho ra những mẻ bánh Fruitcake ngon lành và giữ được lâu ngày.

Công thức cơ bản tự làm bánh Fruitcake đón Giáng sinh Bánh hoa quả, một loại bánh nướng cổ điển vào dịp Giáng sinh gồm nhiều loại trái cây và gia vị. Rượu mạnh và nước cam làm tăng thêm hương vị của bánh, và bạn có thể điều chỉnh lượng trái cây, đồng thời thêm một số loại hạt xắt nhỏ nếu muốn.

Công thức này để làm hai chiếc bánh, vì vậy bạn có thể dành một chiếc để tặng bạn bè hoặc người thân.

Chuẩn bị:

- 2,5 lạng mứt vỏ cam, thái hạt lựu

- 2,5 lạng mứt vỏ chanh, thái hạt lựu

- 2,5 lạng mứt dứa, thái hạt lựu

- 2,5 lạng hoa quả trái cây khô tổng hợp, thái hạt lựu

- 1,5 lạng mứt anh đào nguyên quả

- 1,5 lạng mứt anh đào xanh nguyên quả

- Khoảng 1 chén quả lý chua (tìm mua tại siêu thị, cửa hàng trái cây nhập khẩu)

- Khoảng 1 chén nho khô (loại nho vàng hoặc nho sẫm).

- Khoảng 1 chén chà là khô.

- 1/2 ly nước cam.

- 1/2 chén rượu mạnh, hoặc rượu bourbon ngon

- 3,5 chén bột mì đa dụng

- 1,5 muỗng cà phê bột quế

- 2 muỗng cà phê hạt nhục đậu khấu

- 1/4 thìa cà phê đinh hương xay

- 1/2 muỗng cà phê hạt tiêu xay

- 1/2 muỗng cà phê bột nhục đậu khấu.

- 1 muỗng cà phê bột nở

- 1/2 thìa cà phê muối

- Bơ nhạt

- 2 chén đường nâu.

- 5 quả trứng.

- 1/2 chén mật mía.

Thực hiện:

Tập hợp các nguyên liệu lại một chỗ

Đặt trái cây vào một cái bát lớn, trộn lẫn với nước cam và rượu mạnh. Khuấy nhẹ nhàng và để yên trong vài giờ.

Phết nhiều bơ nhạt vào đáy và các mặt của hai khuôn, chảo bánh mì, nhớ lót giấy thấm bên dưới khuôn.

Rây các loại bột với gia vị hai lần. Thêm bột nở và muối, sau đó rây lại.

Cho bơ vào tô trộn lớn và đánh kem bằng máy đánh trứng công suất lớn cho đến khi mịn. Thêm đường, sau đó đánh kem cho đến khi dung dịch nhẹ và mịn.

Đánh nhẹ lòng đỏ trứng rồi cho vào tô. Trộn đều bột.

Khuấy bột khi bạn thêm hỗn hợp bột và gia vị, từng chút một, khuấy đều sau mỗi lần thêm. Khi các thành phần khô được kết hợp hoàn toàn, thêm mật đường và khuấy.

Khuấy trái cây, cùng với bất kỳ chất lỏng ngâm nào còn lại trong bát.

Cho lòng trắng trứng vào tô thủy tinh và đánh bằng máy đánh trứng sạch đến khi có chóp cứng.

Đổ chúng vào hỗn hợp bột và đánh kỹ, sau đó dùng muỗng múc bột vào chiếc chảo bánh mì đã chuẩn bị.

Dùng miếng vải sạch đậy lên chảo, để ủ bột qua đêm.

Ngày hôm sau, làm nóng lò ở nhiệt độ 250 F (khoảng 120 độ C). Đặt các chảo không đậy nắp lên giá giữa của lò và nướng tổng cộng từ 3 tiếng rưỡi đến 4 tiếng.

Sau 1 tiếng rưỡi, đậy chảo bằng một tờ giấy màu nâu (không sử dụng giấy bạc) hoặc đặt chảo vào túi giấy và cho lại vào lò nướng.

Khi bánh đã nướng được 3 tiếng rưỡi, thử bánh bằng tăm hoặc que thử bánh. Nếu bánh đã chín, bạn để chúng trong chảo và đặt trên giá nan làm nguội.

Khi bánh nguội hoàn toàn, lấy ra khỏi khuôn, để lại lớp giấy lót trên mặt bánh. Bọc bánh với giấy parchment (giấy da), sau đó là lớp giấy bạc và đựng bánh trong hộp thiếc.

Bánh trái cây tự làm cần không khí, vì vậy hãy đục một vài lỗ trên nắp hộp thiếc hoặc đặt lỏng nắp trên hộp thiếc.

Đặt hộp thiếc ở nơi thoáng mát, không bị xáo trộn và cứ ba hoặc bốn ngày trước khi dùng bánh, hãy mở giấy bạc và rưới một lượng nhỏ rượu mạnh hoặc rượu bourbon lên bánh. Rượu sẽ giữ cho bánh ẩm và có hương vị, đồng thời giúp bảo quản bánh.

Bạn có thể làm bánh ngay từ những ngày đầu tháng 12 và chờ tới khi bánh ngấm rượu thật ngon để thưởng thức trong đêm Giáng sinh.

Chúc bạn làm bánh thành công.


Phương Linh