Trung bình 510 triệu cho một nhà vệ sinh - sự phi lý khó chấp nhận



Trung bình 510 triệu cho một nhà vệ sinh - sự phi lý khó chấp nhận

Thiết Sơn 17:9 10/6/2013

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, từ năm 2010 đến nay, trung bình một nhà vệ sinh do Sở làm chủ đầu tư xây dựng, giá thấp nhất là 300 triệu đồng và cao nhất gần 750 triệu đồng.

Huyện Minh Long, tỉnh Quảng Ngãi đột nhiên nổi danh cả nước khi tại đây xuất hiện những nhà vệ sinh có mức chi phí gần 600 triệu đồng. Đây chỉ là một trong số rất nhiều nhà vệ sinh trên toàn quốc được xây dựng theo “Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 2012 - 2015” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2012. Tổng vốn đầu tư cho chương trình này bao gồm 27.600 tỷ đồng trong đó ngân sách TƯ chỉ chiếm14,9%, hỗ trợ của quốc tế chiếm tới 29,7%, 33% là vốn tín dụng ưu đãi, và phần còn lại là đóng góp của doanh nghiệp tư nhân cùng người dân. Trong số đó, riêng 5.961 tỷ đồng đang được đầu tư cho dự án Vệ sinh nông thôn. Và số tiền này đang được dùng thế nào?
 
Nhìn vào danh sách của riêng Sở GD&ĐT công bố khoản tiền đầu tư 12,27 tỷ đồng, người ta không thể choáng váng với mức ba-rem chi phí trung bình để xây dựng một khu nhà vệ sinh tại 24 công trình là vào khoảng 510 triệu. Cụ thể, trường hợp tại Trường tiểu học Long Sơn (huyện Minh Long) Quảng Ngãi, báo Tuổi trẻ phản ánh,  toàn bộ công tác phê duyệt, chọn nhà thầu xây dựng đều do Sở GD&ĐT trực tiếp làm. Không chỉ vậy, sau khi xây xong nhà vệ sinh thuộc Chương trình nước sạch tầm 2 tháng, Sở này tiếp tục phê duyệt xây thêm một nhà vệ sinh thứ hai bất kể nhà trường báo cáo xin đầu tư vào máy móc thiết bị. Đây là nhà vệ sinh nằm trong Chương trình bảo đảm chất lượng giáo dục trường học SEQAP. Như vậy, tại trường Long Sơn đã có 3 nhà vệ sinh (hai mới, một cũ) trị giá tiền tỷ nằm chễm chệ bên cạnh những phòng học có thiết bị cũ nát, xuống cấp nghiêm trọng.
 
Lý giải về mức chi phí khủng, ông Đỗ Văn Phu - phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ngãi - khẳng định công trình tuân thủ thiết kế, thi công “kỹ thuật cao”, nền móng vững chắc theo yêu cầu của đối tác nước ngoài. Còn ông Nguyễn Mạnh Hùng - trưởng Ban văn hóa xã hội HĐND tỉnh Quảng Ngãi - lại cho thấy một bức tranh cụ thể hơn. Theo đó, nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn của Bộ NN&PTNT đã được chuyển về Sở NN&PTNT Quảng Ngãi làm chủ đầu tư. Nhưng vì liên quan đến ngành giáo dục nên sở này chuyển qua Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng Sở GD&ĐT khiến ban này “bị động, lúng túng”. Việc giám sát hiệu quả dự án, tương thích với vốn đầu tư hay không là của thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, ông Hùng cho biết.
 
Như vậy, với tình trạng quản lý nguồn vốn từ trên cao đổ xuống, rồi bị ban chuyền từ Sở này sang Sở khác gây “lúng túng, bị động” là một lý do chính đáng biện bạch cho tình trạng đầu tư vô tội vạ, bất kể nhu cầu thực tế thừa hay thiếu. Tiếng nói của những đối tượng trực tiếp thụ hưởng từ chương trình tốt đẹp kia không được tiếp thu, lắng nghe để giảm thiểu sự lãng phí. Chưa kể, như bạn đọc của báo Người Lao Động (10/6) phản ánh, mức chi xây dựng cho những nhà vệ sinh với cùng 1 diện tích ngay cả chủ đầu tư xây dựng khách sạn 5 sao cũng không mơ tới. Mà kỳ lạ làm sao, những công trình “đáng ngờ” như vậy mà cả Bộ NN-NT và Bộ GD&ĐT lại để lọt được?!
 
Đầu tư lãng phí là một biểu hiện rõ ràng của lạm dụng chức quyền, tham nhũng, trục lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - ông Trịnh Ngọc Thạch - đã từng nhận định trên báo An ninh Thủ Đô (8/6). Tình trạng này dường như phổ biến trong các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở do dân nghèo. Mới cách đây 1 tháng, báo chí đã phanh phui sự lãng phí trong Dự án “Ứng dụng điện mặt trời cho khu vực miền núi và dân tộc ở Việt Nam” thì lại xuất hiện những nhà vệ sinh “hàng khủng”. Đây là một ví dụ tham chiếu tốt cho các đại biểu Quốc hội đang thảo luận về dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Những khối tiền khổng lồ không chỉ là khoản nợ kéo chân đất nước có tỷ lệ dân số bắt đầu già hóa nhanh mà còn hủy hoại lòng tin khiến cộng đồng quốc tế xa lánh Việt Nam.
 

Thiết Sơn

Từ Khóa :