Triển lãm ảo: “Cánh cửa thần kỳ” đã mở?



Triển lãm ảo: “Cánh cửa thần kỳ” đã mở?

Song Nhật 1:7 1/2/2022

Chỉ cần ngồi nhà bạn cũng có thể thưởng thức những tác phẩm mỹ thuật với chất lượng cao, thoải mái giao lưu với những người đến dự? Những điều không tưởng ấy đang dần thành hiện thực trong nỗ lực đưa tác phẩm đến với người xem bất chấp khó khăn do dịch bệnh cũng như sự cách trở về địa lý, kinh tế. Phải chăng “cánh cửa thần kỳ” cho mỹ thuật đã mở?

Nhập vai xem triển lãm

Trong hai năm vừa qua, công chúng đã dần quen với việc xem triển lãm mỹ thuật trực tuyến. Từ chỗ là giải pháp tình thế, các triển lãm trực tuyến ngày càng phong phú hơn về quy mô, cách thức tổ chức và được đầu tư chỉn chu hơn về kỹ thuật nhằm mang lại trải nghiệm tốt nhất cho người xem. Đáng chú ý là các triển lãm 3D tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, triển lãm của Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA).

Một trong những trải nghiệm mới lạ nhất phải kể đến triển lãm của nhóm họa sĩ trẻ có tên gọi “0 thiết yếu” diễn ra vào tháng 10/2021. Lạ, bởi triển lãm mang đến người xem trải nghiệm thưởng tranh theo hình thức thực tế ảo. Mỗi người xem tự chọn và tạo cho mình nhân vật 3D đại diện với phong cách tùy thích (giống như các trò chơi nhập vai) để bước vào không gian ảo của triển lãm. Thông qua việc di chuyển nhân vật đại diện của mình, người xem sẽ đến các không gian của triển lãm và thưởng thức tranh giống như đời thực. Ban tổ chức sử dụng nền tảng họp mặt thực tế ảo Seensio, xây dựng - không gian sự kiện dưới định dạng 3D tại 3 khu vực triển lãm với khoảng 80 bức tranh, cho phép người xem nhìn toàn cảnh cũng như tìm hiểu sâu, tương tác với từng tác phẩm. Bên cạnh đó, người xem còn có thể mời bạn bè tham gia, tạo các nhân vật với đặc trưng riêng tùy thích và trò chuyện với nhau.

Chính việc được tương tác với tác phẩm và những người xem khác đã tạo nên sự mới mẻ, thú vị cho triển lãm trong thế giới số. “Tác giả” của triển lãm “0 thiết yếu” là nhóm họa sĩ trẻ, trong đó họa sĩ Phan Thanh Nam (nghệ danh Ấm Chè) và nhóm “Việt Sử kiêu hùng” là những người khởi xướng. Triển lãm có sự góp mặt của nhiều họa sĩ vẽ minh họa được giới trẻ yêu thích như Thành Phong, Đỗ Thái Thanh, Nguyễn Hoàng Dương, Phước Thiện, Hoàng Nam Việt, Puck (Phạm Đăng Phúc), Kaovjets (Nguyễn Cao Việt), Rainn (Nguyễn Hải).

Họa sĩ Đỗ Thái Thanh cho biết: Anh tham gia bởi mong muốn đưa công chúng đến gần tác phẩm nghệ thuật hơn bằng một cách sinh động nhất, để họ được trải nghiệm nghệ thuật độc đáo, truyền năng lượng tích cực cho người xem, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh như hiện nay. Các tác phẩm dự triển lãm cũng hết sức thú vị, đề tài gần gũi, dễ tiếp cận với số đông. “Đây là bộ bưu ảnh minh họa đời sống văn hóa, lịch sử Việt Nam. Chẳng hạn như tranh vẽ Lý Thường Kiệt với bài thơ "Nam Quốc Sơn Hà" của tôi, “Định Bộ Lĩnh” của họa sĩ Đỗ Thái Thanh cho đến những tác phẩm dễ thương như “Bánh mì” của họa sĩ Nguyễn Hoàng Dương...”, họa sĩ Phan Thanh Nam chia sẻ.

Công nghệ đã thực sự mở ra “cánh cửa thần kỳ”, san bằng mọi khoảng cách để công chúng có thể tiếp cận gần hơn với nghệ thuật ở mọi nơi trên thế giới.

Xu hướng của thế giới

Triển lãm thực tế ảo (VR) đang là xu hướng được ứng dụng mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, trong đó có nghệ thuật, với ngày càng nhiều tính năng đa dạng, sinh động nhằm chinh phục khán giả nhiều lứa tuổi. Sự đón nhận của công chúng cho thấy đây sẽ là xu hướng đáng chú ý trong lĩnh vực triển lãm thời gian tới nhằm theo kịp xu hướng chung của thế giới.

Việc ứng dụng công nghệ thực tế ảo không chỉ mang đến trải nghiệm cho người xem, mà còn có ý nghĩa trong việc phát triển thị trường nghệ thuật toàn cầu. Trả lời phỏng vấn của trang Artsy.net, Edward Dolman, Giám đốc điều hành của Nhà đấu giá danh tiếng Phillips cho biết: Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, chúng ta đã chứng kiến sự tăng trưởng hằng năm trong lĩnh vực bán hàng trực tuyến và đấu thầu quốc tế trực tuyến. Nói cách khác, các nhà sưu tầm đã lựa chọn đấu giá theo cách dễ tiếp cận, linh hoạt và thuận tiện hơn. Với các sự kiện của năm 2021, các kế hoạch đổi mới kỹ thuật số của chúng tôi tiếp tục được đẩy nhanh vì các cuộc đấu giá dự kiến vẫn diễn ra trực tuyến trong một thời gian dài. Cho đến nay, thị trường đã phản ứng một cách tích cực với các hình thức bán hàng trực tuyến động (dynamic online-only sales), bán hàng kết hợp (hybrid sales) và bán hàng thực tế ảo (live virtual sales). Tất nhiên, không gì bằng việc tận mắt nhìn thấy một tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời. Tuy nhiên, chúng tôi cũng rất quan tâm đến thực tế của cuộc sống kỹ thuật số và nhận thức rõ rằng: Nhiều tiến bộ đã được chứng minh là cực kỳ đáng hoan nghênh và chúng sẽ tồn tại lâu dài.

Còn theo bà Karen Jenkins-Johnson, người sáng lập và là Giám đốc Phòng trưng bày Jenkins Johnson (Mỹ), trong nhiều giải pháp được áp dụng trên thị trường nghệ thuật để đối phó với các thách thức đặc biệt từ đại dịch Covid-19, tác động lâu dài nhất đến từ việc sử dụng các công cụ truyền thông trực tuyến, bao gồm mạng xã hội, cho phép công chúng thăm triển lãm ảo và kết nối mọi người trên toàn cầu. Nó sẽ tác động tích cực lâu dài, giảm bớt rào cản đối với sự tham gia của các nhà trưng bày, nhà sưu tầm, nghệ sĩ, giám tuyển và nhà phê bình...


Song Nhật

Báo Hà Nội Mới số Tết 2022