Thày đánh tím mông học sinh
Thanh Hà
22:10 2/10/2013
Con gái mới học lớp 4, do không thuộc bài đã bị thầy giáo chủ nhiệm đánh thâm tím mông đến mức phải đứng ăn cơm. Phụ huynh dù căm phẫn song vẫn tha thứ cho thầy bởi sợ ảnh hưởng đến việc học của con.
Trong lần kiểm tra bài, bé V., học sinh lớp 4, trường tiểu học Lương Thế Vinh, TP.HCM, không thuộc bài đã bị thầy giáo chủ nhiệm tên Hải dùng roi đánh vào mông đến tím bầm.
Dù rất đau đớn đến mức không thể ngồi được, học bài cũng phải nằm nhưng V. vẫn cắn răng chịu đựng. Đến ngày 27/9, không thể chịu đựng nổ, V. đã khóc than và mẹ của cháu phát hiện thân thể con bị bầm tím nên đã vô cùng bàng hoàng.
Mặc dù rất bức xúc nhưng người mẹ đành phải ngậm ngùi nuốt nỗi đau và chấp nhận bỏ qua sự việc sau khi nhận được lời xin lỗi của vị thày giáo. Chị cho biết đã đến gặp thày Hải để làm rõ vụ việc, thày đã xin lỗi vì cháu không thuộc bài mà lỡ nặng tay. Với suy nghĩ không muốn làm to chuyện làm ảnh hưởng đến chuyện học hành của con nên chị đã chấp nhận lời xin lỗi mà bỏ qua.
Tuy nhiên, một người hàng xóm cũng rất bức xúc với vụ việc nên đưa lên mạng xã hội bức ảnh vết thương của bé V.. Ngay lập tức cộng đồng mạng đã “nổi sóng”. Hàng loạt ý kiến phản đối hành động phản giáo dục của thày Hải, cũng như tỏ ra bất bình với tình trạng “bạo lực” của giáo viên. Bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng phụ huynh cháu bé đã bạc nhược. Lý giải cho cách giải quyết trong êm thấm, nhiều người đã phân tích rằng không có gì là khó hiểu bởi khi mà bấy lâu nay những người tố cáo tiêu cực luôn “trong vòng hiểm nguy”, bị trù dập, dè bỉu… Cách hành xử của người mẹ này cũng chỉ là từ ước nguyện muốn bảo vệ con.
Tuy nhiên, nhìn từ góc độ giáo dục thì rõ ràng hành vi đánh trò “không thương tiếc” của thày Hải là vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Nguyên nhân xâu xa của việc dùng bạo lực dạy dỗ học sinh là bởi chưa có sự chia sẻ, gần gũi giữa thày và trò. Nhiều giáo viên vẫn quan niệm mình là “người cho” còn trò là người “bắt buộc phải nhận”, vậy nên họ có mọi quyền hành với học sinh kể cả dùng roi vọt. Song thực tế đây là một suy nghĩ sai lầm. Thày và trò phải tôn trọng nhau, và đều có quyền được trao đổi thông tin, được bảo vệ chính bản thân mình. Khi thày đánh trò vô tình là đã giáo dục học sinh tâm lý bạo lực, sẵn sàng ra tay với những người không thể quản nổi đi ngược hẳn với những mục tiêu đã được đặt ra trong chương trình giáo dục công dân ở ngay chính cấp học cơ sở. Bên cạnh đó, cũng không thể bỏ qua trách nhiệm của các nhà quản lý giáo dục khi chưa chú trọng đến tinh thần “tiên học lễ, hậu học văn” cũng như “trọng thầy, yêu trò”.
Thanh Hà
Từ Khóa :