Tận dụng lạc Bambara để “làm mới” nhiều loại thực phẩm



Tận dụng lạc Bambara để “làm mới” nhiều loại thực phẩm

Phương Linh 14:18 12/5/2022

Trên hành tinh có tới 300.000 loài thực vật có thể ăn được, nhưng con người chủ yếu chỉ ăn các loại gạo, ngô, lúa mì và một số loại cây trồng cơ bản.

Christoph Langwallner, đồng sáng lập và CEO của WhatIF Foods, muốn thay đổi điều này. Công ty khởi nghiệp của ông có sứ mệnh đa dạng hóa hệ thống lương thực với một loại cây thân thiện môi trường. Theo Langwallner, chương trình của họ có thể khôi phục đất bạc màu, cắt giảm lượng nước tiêu thụ, cải thiện chế độ ăn uống và tăng cường an ninh lương thực. Sản phẩm của mới của ông là lạc Bambara.

Chịu được sự khô hạn, cây lạc Bambara là loại cây họ đậu, cùng họ lương thực với lạc, đậu Hà Lan và đậu -có nguồn gốc từ Tây Phi, nhưng hiện được trồng trên khắp lục địa và châu Á.

Là một cây họ đậu, lạc Bambara làm giàu nitơ cho đất, giúp bón phân cho các cây trồng khác. Đây cũng là một "thực phẩm hoàn chỉnh" chứa nhiều protein, carbohydrate và chất xơ, cung cấp các axit amin, khoáng chất và vitamin thiết yếu. Là một thành phần truyền thống trong ẩm thực bản địa châu Phi, loại cây này phần lớn đã được buôn bán và tiêu thụ tại địa phương  cho đến nay.

WhatIF Foods, có trụ sở tại Singapore, chế biến hạt lạc Bambara thành bột "BamNut" đặc trưng của hãng, được sử dụng trong mì ăn liền, súp và món lắc. Langwallner hy vọng sẽ tạo ra một thị trường mới cho cây trồng và "biến cây lạc Bambara trở thành một phần của hệ thống”.

Loại mì thân thiện với môi trường

Langwallner, người đã từng làm việc với các công ty công nghệ thực phẩm, cho biết ông đã nhìn thấy cơ hội để giới thiệu loại lạc xa lạ thông qua một sản phẩm quen thuộc: mì ăn liền. Vào năm 2020, hơn 116 tỷ phần thức ăn nhanh này đã được tiêu thụ

WhatIF đã tạo ra bốn hương vị mì: BamNut, moringa, than và bí ngô.

WhatIF ra mắt món mì của mình tại Singapore vào năm 2020, thay thế quy trình chiên ngập dầu được sử dụng trong sản xuất mì ăn liền thông thường bằng một phương pháp lành mạnh hơn, tương tự như việc chiên không dầu.

Langwallner cho biết: Kỹ thuật độc quyền này làm giảm hàm lượng chất béo trong mì WhatIF và tránh sử dụng dầu cọ, một thành phần có liên quan đến nạn phá rừng, ô nhiễm đất và nước. Mì cũng chứa nhiều chất xơ và protein hơn so với mì ăn liền làm từ lúa mì thông thường.

Với giá lên tới 2,50 USD một phần, mì của WhatIF đắt hơn so với các sản phẩm từ những công ty nổi tiếng trong ngành như Nissin và Indomie, nhưng Langwallner đang đặt cược vào “sự hợp tác” từ những người tiêu dùng có ý thức về môi trường, đặc biệt là thị trường thế hệ trẻ và thế hệ Z, để trả nhiều hơn cho sản phẩm bền vững.

Loại hàng hiếm

Mặc dù có giá trị dinh dưỡng cao và tốt cho đất, nhưng lạc Bambara được trồng với quy mô rất nhỏ: sản lượng hàng năm ở châu Phi được báo cáo là chỉ 0,3 triệu tấn - một lượng không đáng kể so với 776,6 triệu tấn lúa mì được sản xuất trên toàn cầu vào năm ngoái.

Lạc Bambara (trong hình) được trồng ở các vùng bán khô hạn ở châu Á và châu Phi, bao gồm cả Ghana, nơi WhatIF đang làm việc với hơn 1.600 nông dân

Victoria Jideani, giáo sư khoa học thực phẩm tại Đại học Công nghệ Cape Peninsula ở Nam Phi, cho biết: Đó là bởi vì lạc Bambara không được trồng như một cây trồng chính. Nông dân trồng cây chỉ để giúp bón phân cho đất, và sản phẩm thu được sẽ được ăn và bán tại địa phương. Nhưng việc tạo ra thị trường quốc tế cho cây trồng có thể mang lại động lực mới cho nông dân, và tăng cường an ninh lương thực cho các thế hệ tương lai khi biến đổi khí hậu đe dọa sản xuất một số loại cây trồng.

Theo Liên Hợp Quốc, cứ mỗi phút lại có 23 ha đất canh tác bị mất vì hạn hán và sa mạc hóa, và các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng sự khô cằn ảnh hưởng đến 40% đất nông nghiệp. Jideani cho biết nhiều diện tích đất canh tác, nơi mà các loại cây chủ lực như ngô đã được trồng trước đây, "không còn phát triển nữa". Đó là một vấn đề lớn ở châu Phi, nơi có tới 65% diện tích đất trồng trọt bị thoái hóa.

Cũng theo Jideani: Nhưng lạc Bambara có khả năng chịu hạn và có thể phát triển trên đất nghèo ở các vùng bán khô hạn, đồng thời bổ sung dinh dưỡng cho đất bạc màu, cung cấp một loại cây trồng thay thế có thể giúp khôi phục vùng đất này.

Bà cho biết các công ty như WhatIF có thể tạo ra nhu cầu toàn cầu cho loại cây trồng "chưa được tận dụng" này.

Và Langwaller không đơn độc trong việc khám phá tiềm năng của cây trồng. Jideani và nhóm của bà đang thử nghiệm các sản phẩm làm từ lạc Bambara bao gồm bánh quy giòn, bánh ngọt và đậu phụ.

Jideani bày tỏ bà muốn thấy các chính phủ khuyến khích sản xuất lạc Bambara. Bà cho biết: “Bất kỳ loại cây trồng nào tự cho mình là giải pháp cho tương lai đều nên được nắm bắt bằng hai tay”.

"Một cách tiếp cận hoàn toàn khác"

Cho đến nay, Langwallner và người đồng sáng lập Peter Cheetham, một kỹ sư sinh hóa, đã tự bỏ tiền túi để điều hành công ty, cũng như gây quỹ từ bạn bè và các nhà đầu tư tư nhân. Langwallner cho biết hiện họ đang tìm kiếm các nhà đầu tư tổ chức để giúp công ty mở rộng quy mô.

Sữa BamNut của WhatIF chứa nhiều chất đạm và chất xơ

Công ty đang nỗ lực hướng tới cột mốc quan trọng đầu tiên: tìm nguồn cung cấp 1.000 tấn lạc Bambara từ Tây Phi, mà Langwallner cho biết sẽ khôi phục lại 1.000 ha đất vào cuối năm 2023. Công ty đang làm việc trực tiếp với 1.600 nông dân ở Ghana, và xây dựng mối quan hệ với nông dân ở Nigeria và Malaysia, vì điều này chuẩn bị cho việc mở rộng trong tương lai.

Các sản phẩm của WhatIF được sản xuất tại các nhà máy ở Malaysia và Australia, và được bán ở Singapore, Malaysia và Australia. Trong tháng này, chúng đang được tung ra tại Mỹ trong các cửa hàng trực tuyến. Công ty cũng đang làm việc để thông qua phê duyệt theo quy định ở EU, dự kiến ​​sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.

Trong tương lai, WhatIF muốn "nội địa hóa sản xuất" bằng cách xây dựng các nhà máy gần hơn với nguồn cung cấp lạc hoặc gần hơn với người tiêu dùng. Và công ty đang mở rộng phạm vi sản phẩm của mình. Gần đây, công ty đã tung ra sữa BamNut và đang nghiên cứu phát triển các sản phẩm sữa có nguồn gốc thực vật khác như sữa chua và pho mát.

Bằng việc thực hiện "cách tiếp cận hoàn toàn khác", Langwallner hy vọng rằng lạc Bambara sẽ giúp nông dân trên khắp thế giới hồi sinh những vùng đất bạc màu và đa dạng hóa nguồn dinh dưỡng của chúng ta vì một tương lai an toàn hơn.


Phương Linh