Quỹ bảo hiểm y tế dư thừa viện phí cứ đòi tăng
Mai Chi
15:50 18/3/2013
Trong khi quỹ bảo hiểm y tế kết dư hàng nghìn tỷ đồng, viện phí vẫn tăng và bệnh nhân phải “è cổ” trả những khoản tiền thuốc, vật tư nằm ngoài danh mục thanh toán của bảo hiểm y tế.
Hàng nghìn tỷ đồng bị xếp kho
Viện phí thấp, bệnh nhân đáng lẽ phải là người vui nhất, chưa kể có sự hỗ trợ của bảo hiểm y tế, giúp chi trả tiền thuốc, tiền viện phí. Thật tiện cả đôi đường! Tuy nhiên, nằm trong chăn mới biết chăn có rận. Viện phí thấp chỉ trên danh nghĩa còn thực tế số tiền bệnh nhân phải trả trong quá trình điều trị cao hơn gấp nhiều lần. Những khoản tiền thuốc, vật tư mà nhân viên y tế yêu cầu mua ngoài không nằm trong danh sách thanh toán của bảo hiểm y tế (BHYT) mới chính là gánh nặng đè lên vai người bệnh. Đơn cử như dịch vụ thông tiểu, BHYT thanh toán 6.000 đồng/lần, không có dây thông tiểu nên người bệnh phải mua ngoài mà giá dây này còn cao hơn mức phí được hỗ trợ kia. Tương tự, nhiều bệnh nhân cho biết, trong đơn kê của bác sĩ thì số thuốc được miễn phí chỉ bằng ½ thậm chí 1/3 số tiền phải mua thuốc ngoài. Thuốc do BHYT chủ yếu là thuốc thông dụng, còn thuốc đặc trị, giá cao thì dân vẫn phải bỏ tiền túi.
Luật BHYT quy định người bệnh phải đóng phí tham gia BHYT theo tỷ lệ % lương (hiện là 4,5% lương cơ bản). Mức lương cơ bản tăng, đồng nghĩa với khoản phí người bệnh phải đóng cũng tăng lên. Trong khi đó, nguồn chi từ BHYT cho khám chữa bệnh không thay đổi trong vòng 15 năm qua, đồng nghĩa với việc người bệnh dù phải đóng tiền BHYT cao nhưng không được chi trả tương xứng. Điều này dẫn đến quỹ BHYT kết dư.
Theo thống kê, từ năm 2010 đến 2012, con số kết dư đạt mức 7.700 tỷ đồng nhưng luôn bị “cấm cung”, cả bệnh nhân và bệnh viện đều không được thụ hưởng lợi ích từ số tiền khổng lồ này. Chính các nhà quản lý bệnh viện cũng thừa nhận tình trạng bất cập trên. Bà Nguyễn Phạm Ý Nhi, Giám đốc bệnh viện Xanh Pôn cho biết kết dư quỹ BHYT của các bệnh viện trong năm 2010 và 2011 lên lên tới cả trăm tỷ đồng trong khi bệnh nhân phải gồng mình trả các khoản phí phát sinh. Như vậy, hàng nghìn tỷ đồng bị lãng phí, không phát huy được lợi ích cốt cõi của mình.
Tăng viện phí: Lợi cho ai?
Các nhà quản lý bệnh viện cho rằng viện phí thấp chính là nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng khám chữa bệnh và tình hình tài chính của các bệnh viện. Ông Nguyễn Thống Nhất, Trưởng phòng Tài chính Kế toán bệnh viện Xanh Pôn từng than thở rằng hiện bệnh viện của ông như một con bệnh tài chính do mất cân đối thu chi. Trong khi chi phí dịch vụ y tế thấp, không điều chỉnh trong thời gian dài, chi phí điện nước, vật tư, duy tu, sửa chữa liên tục tăng.
Đồng quan điểm với ông Nguyễn Thống Nhất, bác sĩ Hoàng Quốc Kỷ, giám đốc BV Việt Nam-Cuba chỉ ra viện phí cũ đã được xây dựng 15 năm trước. Điển hình như các mức giá cắt amidan 40.000 đồng/lần; đốt điện, cắt cuốn mũi 30.000 đồng; nhổ răng vĩnh viễn lung lay 4.000 đồng; nhổ răng 8 có biến chứng khít hàm 30.000 đồng đã lỗi thời, không còn theo kịp với giá thị trường. Tăng viện phí được xem là giải pháp giúp các bệnh viện vượt qua cơn “bạo bệnh”. Ông Kỷ khẳng định khẳng định viện phí tăng đồng nghĩa với việc các cơ sở y tế có nguồn tài chính dồi dào hơn để nâng cao chất lượng phục vụ.
Đại diện Sở Y Tế Hà Nội đã đề xuất thành phố tăng viện phí hơn 600 dịch vụ kỹ thuật, với mức tăng giai đoạn 1 từ 70%-75% so với khung giá tối đa do Bộ Y tế ban hành và sẽ áp dụng từ ngày 1/7 tới.
Trong các đề xuất tăng viện phí, chỉ thấy các đơn vị nêu lý do là cải thiện cơ sở với để thoát nghèo cho bệnh viện, chẳng thấy viện nào đề cập đến những giải pháp cho chất lượng khám chưa bệnh, cung cách làm việc của nhân viên y tế. Bệnh nhân vẫn phải chịu cảnh bốn năm người trên một giường bệnh và chi phí đắt đỏ phát sinh ngoài danh mục bảo hiểm y tế. Nói cách khác, khó khăn của ngành đang dồn sang vai người bệnh.
Trong khi đó, hàng nghìn tỷ đồng quỹ BHYT bỏ không, dư thừa. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Y tế, nửa cuối năm ngoái, trái với các dự đoán chi, sau khi nhiều bệnh viện thực hiện giá viện phí mới, Quỹ bảo hiểm Y tế vẫn kết dư khoảng 500 tỉ đồng. Nếu tìm được cách quản lý và sử dụng nguồn quỹ này hiệu quả thì có lẽ dân sẽ đỡ thiệt đơn, thiệt kép.
Mai Chi
Từ Khóa :