Obama với Tập Cận Bình xác lập quan hệ kiểu mới giữa các nước lớn: liệu có mới?
Phạm Bích San
22:39 9/6/2013
- ‘Nước Mỹ nhận thức rằng tất cả người Trung Quốc ở hai bên eo biển Đài Loan đều cho rằng chỉ có một Trung Quốc, Đài Loan là một bộ phận của Trung Quốc’ - Kissinger, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ. - ‘Tiến sĩ rốt cuộc vẫn là tiến sĩ, đây có thể là một phát minh kỳ diệu’ - Chu Ân Lai, Thủ tướng Trung Quốc (Trích cuộc hội đàm Kissinger-Chu Ân Lai, 25/10/1971, Mộ Kiệt, 7 cuộc đàm phán siêu cấp)
Thế giới trong những ngày này đang chăm chú theo dõi cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ - Obama với Chủ tịch nước Trung Quốc - Tập Cận Bình. Câu chuyện được báo giới mường tượng là hai vị nguyên thủ quốc gia sẽ xác lập những quan hệ kiểu mới giữa một cường quốc đang lên và một cường quốc đã xác lập được vị trí được thừa nhận đứng đầu thế giới. Mối quan hệ này vốn được khởi đầu vào năm 1971, trong cuộc hội đàm chuẩn bị cho chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Ních-xơn đến Trung Quốc gặp Mao Trạch Đông, Chủ tịch Trung Quốc, còn trước đó hai nước chưa hề có quan hệ với nhau.
Tổng thống Mỹ Ních-xơn khi đó là một chính khách phương Tây khét tiếng chống cộng. Còn Chủ tịch Trung Quốc, Mao Trạch Đông, cũng nổi tiếng chống Mỹ với câu nói bất hủ: ‘Đế quốc Mỹ là con hổ giấy’. Đến cuộc gặp, nước Mỹ có nhu cầu thiết yếu là tìm cách giải quyết chiến tranh Việt Nam, trong khi Trung Quốc có nhu cầu xác lập mối quan hệ bình thường với Mỹ mà trở ngại là sự thừa nhận Đài Loan thuộc Trung Quốc. Lúc đó, đây là một quan hệ cực mới và cách xác nhận rất mơ hồ của Kissinger đã tháo gỡ khó khăn, khai thông quan hệ, nên Chu Ân Lai đã hết lời khen đối tác của mình. Trong những toan tính của hai nước lớn, Việt Nam cũng là bên có lợi ích liên quan và cách xử lý vấn đề chiến tranh Việt Nam có tác động sâu xa về sau này đến cục diện Biển Đông hôm nay.
40 năm trôi qua và người ta thấy rằng suốt quãng thời gian đó mối quan hệ Trung Quốc và Mỹ diễn ra chẳng có gì mới: quan hệ vẫn như nó cần phải có giữa một nước đông dân nhất thế giới, nhưng cũng thuộc nhóm nước nghèo trên thế giới với một nước giàu có nhất thế giới. Bên nào cũng cố tính toán lợi ích của mình, bảo vệ lợi ích của mình và hành xử tuỳ theo sức mạnh của mình. Trung Quốc chủ trương giấu mình chờ thời trong khi Mỹ không lúc nào lơi lỏng việc giám sát sức mạnh của một cường quốc đương lên, rất xa lạ về ý thức hệ lẫn truyền thống lịch sử với mình. Trong mối quan hệ giữa hai nước lớn này, các quốc gia nhỏ hơn có liên đới luôn phải suy tư vì vũ lực, một phương thức hành động cổ truyền của các nước lớn vẫn luôn được sử dụng hay đe doạ sử dụng. Và Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc xâm chiếm trái phép cũng chính vào thời điểm này.
Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ Trung lần này ở khu nghỉ dưỡng Sunnylands, California được các bên khẳng định sẽ tạo dựng nên kiểu quan hệ mới giữa các siêu cường. Cho đến lúc này, cái mới thấy được ở đây là cuộc gặp đã diễn ra sớm hơn thường lệ, cuộc gặp cũng diễn ra không có nghi lễ long trọng như thông lệ giữa các quốc gia mà cứ như là giữa hai quốc gia cực kỳ thân hữu, kiểu như ông Reagan tiếp bà Thatcher - thủ tướng nước Anh, cũng tại đây thủa trước. Ngoài việc đó ra thì những vấn đề thảo luận cơ bản cũng là những vấn đề thông thường giữa hai quốc gia: an ninh mạng và gián điệp mạng từ phía Trung Quốc, tỷ giá đồng tiền nhân dân tệ không được xác định đúng mức, chương trình hạt nhân của Triều Tiên... Hai bên đều than phiền về nhau trong những vấn đề này và họ sẽ cùng nhau giải quyết, chắc là thoả đáng, vì lợi ích của chính họ.
Nhưng có một vấn đề mà mối quan hệ giữa hai quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới này sẽ phải giải quyết và điều này sẽ xác lập nên quan hệ kiểu mới: vấn đề Biển Đông. Ông Tập Cận Bình, với sự tự tin, đã nêu rõ: ‘Thái Bình Dương rộng lớn có đủ chỗ cho hai cường quốc như Mỹ và Trung Quốc. Chúng ta gặp nhau hôm nay ở đây để vạch tương lai cho quan hệ Mỹ Trung và đưa ra một kế hoạch chi tiết cho mối quan hệ này’. Có điều, Thái Bình Dương có lẽ đủ rộng nhưng Biển Đông, phần của Thái Bình Dương, nơi có 60% lượng hàng hóa trên thế giới được vận chuyển qua đây, xem ra lại quá nhỏ để không có chỗ cho một quốc gia nào ngoài Trung Quốc, kể cả Mỹ, có thể dịch chuyển qua đó: cứ xem đường “Lưỡi Bò” mà Trung Quốc vạch ra để xí 8/10 phần của Biển Đông thì rõ.
Còn Mỹ thì cũng tự coi mình có liên quan đến Biển Đông vì họ cũng là một quốc gia Thái Bình Dương. Sự xoay trục chiến lược của Mỹ trong mấy năm qua đã được họ công khai khẳng định với việc: khu vực Thái Bình Dương này sẽ có sự hiện diện của 60% binh lực nước Mỹ. Ai làm cho Biển Đông nổi sóng thì mọi người đều biết và sự tập trung binh lực đó của nước Mỹ định để đề phòng ai thì mọi người đều rõ. Có điều, chiến tranh lớn giữa các cường quốc có lẽ chưa có, vì lực lượng của các bên chưa tương xứng nhau: một bên thì quá mạnh còn bên kia thì chưa đủ mạnh để thách thức lại.
Nhưng những xung đột với các nước nhỏ và sự xâm phạm quyền lợi của các quốc gia ở Biển Đông lại là chuyện khác. Lợi ích của các quốc gia này sẽ được bảo đảm như thế nào là điều chưa ai rõ và luật pháp quốc tế sẽ được tôn trọng đến đâu trong các tranh chấp tương lai cũng chẳng rõ luôn . Yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông ai cũng thấy, nhưng nước Mỹ bảo vệ nguyên tắc tự do hàng hải ở Biển Đông đến mức nào vẫn đang là ẩn số: cái mới của mối quan hệ giữa hai siêu cường là ở đây chăng? Trong lúc giao thời thì lợi ích cốt lõi của Trung Quốc trước kia chỉ là Đài Loan và Tây Tạng, nay lợi ích cốt lõi đó đã bành trướng từ Đài Loan chuyển tới gần hết Biển Đông. Sau này không biết có bành trướng ra khắp Tây Thái Bình Dương rồi ra khắp Thái Bình Dương hay không thì thời gian sẽ trả lời.
Còn hiện tại, trong hội nghi Sangri-La, ông Thích Kiến Quốc, phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, có nói một câu đáng nhớ: ‘Đừng chỉ nghe những gì chính quyền Trung Quốc nói, hãy nhìn những gì Trung Quốc làm’. Vì thế, người Việt Nam cần nhìn kỹ những gì Trung Quốc đang làm ở Biển Đông: với ngư dân Việt Nam và với lãnh thổ Việt Nam.
Và hiện tại người Việt Nam cũng cần phải làm những gì cần làm để bảo vệ lợi ích quốc gia của mình. Ở đây, sức mạnh quốc phòng được đặt cơ sở trên nền tảng kinh tế nói chung và kinh tế biển nói riêng. Thiếu những cơ sở này, các quan hệ kiểu mới giữa các siêu cường sẽ luôn tạo ra những bất ngờ cho những quốc gia nào không đủ nội lực. Mà một quốc gia 100 triệu dân như nước ta thì cũng phải đủ sức mạnh để các siêu cường phải tính tới trong cuộc chơi lớn của họ.
Các quan hệ mới giữa các cường quốc ở Thái Bình Dương đang được định hình. Và cũng định hình những thách thức mới và cơ may mới.
Phạm Bích San
Từ Khóa :