Người Pháp và Hy Lạp: Nói không với thắt lưng buộc bụng



Người Pháp và Hy Lạp: Nói không với thắt lưng buộc bụng

Thùy Dương 16:58 8/5/2012

Chiến thắng của ông Hollande hôm chủ nhật vừa qua cũng như làn sóng bạo động ở Hy Lạp đã thay cho mọi cuộc trưng cầu dân ý thể hiện sự quay lưng với chính sách thắt lưng buộc bụng của chính phủ của người dân.

Antonis Samaras, lãnh đạo đảng Tân Dân chủ ở Hy Lạp bày tỏ: “Tôi mong chờ một sự tín nhiệm kiên định, song người dân lại chọn khác, tôi tôn trọng thông điệp của họ. Kết quả hôm nay thể hiện sự thất vọng của người dân đối với các chính sách kinh tế đi vào ngõ cụt chỉ như thử sức chịu đựng của họ mà không đưa ra được chính sách phát triển nào cụ thể.”
 
Trong khi đó, cử tri Pháp bộc lộ tiếng nói mệt mỏi trước cuộc khủng hoảng nợ công đã 3 năm tuổi bằng việc đưa một nhân vật cánh tả lên nắm quyền sau 17 năm, kể từ khi ông Francois Mitterrand mãn nhiệm. Vị Tổng thống mới đắc cử phát biểu: “Thắt lưng buộc bụng không phải một thứ gì đó không thể tránh khỏi.”
 
Ông Hollande lên nắm quyền trong bối cảnh những thách thức chồng chất như hồi sinh nền kinh tế, thúc đẩy hòa giải xã hội và tìm kiếm tiếng nói chung ở châu Âu… khiến cho ông khó có thời gian để hưởng men say chiến thắng. Cuộc họp lãnh đạo cấp cao G8 tại Mỹ hôm 15/5, Hội nghị thượng đỉnh NATO ngày 20/5 sẽ là những bước đi đầu tiên thể hiện bản lĩnh của vị tân Tổng thống. Đặc biệt, ông Hollande sẽ phải đối diện với hố sâu ngăn cách giữa lãnh đạo hai nền kinh tế hàng đầu châu Âu khi điều đã đưa ông lên ngồi cương vị này lại đang đi ngược lại với những gì bà Angela Merkel đưa ra. Điều này được dự đoán là sẽ tạo nên những biến động lớn trên chính trường châu Âu.
 
Trước giải pháp “thắt lưng buộc bụng” mà bộ đôi “Merkozy”, tức bà Merkel và ông Sarkozy, đưa ra, người dân đã quá mệt mỏi khi phải gánh khoản nợ khổng lồ chỉ vì sự bất lực của các nhà cầm quyền. Có hai giải pháp mà các “bác sĩ khoa chính trị” kê đơn lúc này cho những nỗ lực níu kéo một đồng tiền chung. Một là tiếp tục cái vòng đi vay lãi mẹ đẻ lãi con và sử dụng phát triển kinh tế như một công cụ trả nợ thần kỳ trong khi lại tối tăm về mặt giải pháp. Hai là chuyển món nợ sang người dân bằng động thái cắt giảm chi tiêu đi cùng là sự sụt giảm về phúc lợi xã hội và tăng thuế.
 
“Merkozy” - Bộ đôi quyền lực một thời phủ bóng “Thắt lưng buộc bụng” lên châu Âu
 
Thông qua những lá phiếu, người dân có thể buộc chính phủ xem xét lại vấn đề gánh nặng này rốt cuộc nên chuyển lên đầu ai. Song họ không thể buộc thị trường tài chính dâng các khoản vay cứu cánh cho nền kinh tế “nhiễm thói hoang phí” này. Và các nhà đầu tư sẽ không mấy sẵn lòng dâng tiền cho chính phủ nếu cái khoản vay trước đó còn chưa trả nổi, lấy gì làm đảm bảo cho các khoản vay sau. Khi ấy, thắt lưng buộc bụng, không phải một chính sách, mà là một điều kiện.
 
Tất nhiên, chính phủ chọn giải pháp thứ hai để đạt được giải pháp thứ nhất.
 
Tuy vậy, một Tây Ban Nha và Anh quốc trôi dạt trong cuộc bể dâu suy thoái, một Hy Lạp bất ổn chỉ có tăng lên mà không có giảm xuống, một nước Pháp chán chường trong khung cảnh kinh tế ảm đạm khiến người ta nghi ngại liệu có phải các nhà cầm quyền đã kê nhầm toa. Thắt lưng buộc bụng thực sự là một con dao hai lưỡi. Việc cắt giảm chi tiêu có thể giúp các nước bớt dựa vào các khoản vay với lãi suất có xu hướng tăng nhưng lại cũng gây sụt giảm sản lượng của nền kinh tế, từ đó càng làm cho gánh nặng nợ nần thêm trầm trọng.
 
Thị trường kinh tế thế giới đã chao đảo khi kết quả bầu cử tại Pháp và Hy Lạp đưa đến mối hoài nghi về thực thi các chính sách hà khắc đã được thông qua. Giá dầu thô thế giới đã giảm xuống mức 97 USD/thùng trong khi chỉ số chứng khoán châu Á và Mỹ đều ghi nhận mức suy giảm. Chỉ riêng châu Âu, đầu phiên có đi xuống nhưng sau đã chốt ở mức tăng (chỉ số CAC-40 của Pháp tăng 1,7%) khi giới đầu tư ghi nhận những cam kết khuyến khích tăng trưởng kinh tế của ông Hollande. Còn thị trường chứng khoán Hy Lạp vẫn mịt mờ với sự suy giảm 7%.
 
Bằng việc bỏ phiếu, người dân đã buộc các nhà cầm quyền suy tính lại trong việc đi nước cờ tiếp theo nào cho cuộc chỉnh đốn lại kinh tế trước khủng hoảng nợ công. Nỗi lo lớn nhất hiện nay của châu Âu là đảng cầm quyền sau này ở Hy Lạp liệu có chiều lòng dân rút ra khỏi bản thỏa thuận để đổi lại là các gói cứu trợ hay thậm chí là đoạn tuyệt hẳn với khu vực đồng tiền chung hay không. Bên cạnh việc phải nắn lại tinh thần cho các nhà lãnh đạo Hy Lạp, bản thân nữ Thủ tướng Đức cũng đang phải tìm cách lấy lại niềm tin nơi dân chúng khi Liên minh cầm quyền của bà đã thất bại trong cuộc bầu cử địa phương ở Schleswig-Holstein, một tuần trước khi bước vào một cuộc chiến cam go hơn trước 24 triệu dân ở bang Rhine-Westphalia.
 
“Merkollande” – Bộ đôi quyền lực mới liệu có tìm được tiếng nói chung?
Nguồn: GettyImages
 
Nhiều nhà phân tích cho rằng các nước đã sai lầm khi cho rằng khủng hoảng nợ công là vấn đề cốt lõi cho căn bệnh “Euro”. Chuyên gia phân tích kinh tế Yanis Varoufakis nhân định: “Vấn đề của châu Âu không phải là nợ nần. Vấn đề của châu Âu là một hệ thống tiền tệ bị thiết kế sai lầm. Nợ chỉ là một biểu hiện mà thôi.”
 
Và khi bệnh nhân bị kê nhầm toa thuốc, họ phản ứng lại. Người ta ghi nhận kể từ khi được “uống thuốc”, ngày càng có nhiều người tìm đến tự tử như một phương pháp cứu cánh cho cuộc sống của họ. Những vụ như Dimitris Christoulas tự bắn mình ở quảng trường Syntagma ở Athens, người Hy Lạp như con thiêu thân nhảy vào những cuộc đụng độ nổ ra giữa người dân và cảnh sát… và còn nhiều trường hợp ở Ý, Ireland đã hình thành nên một cụm từ mới trên các trang báo: tự tử vì khủng hoảng kinh tế. Thậm chí, thắt lưng buộc bụng còn bị coi là một từ “nhơ bẩn”.
 
Không chỉ ở Hy Lạp hay Pháp, ở Italy hôm thứ hai, một số ứng cử viên trong cuộc bầu cử địa phương, những người theo đường lối chống lại cắt giảm chi tiêu công của Thủ tướng Mario Monti đang nhận được sự ổng hộ vô cùng mạnh mẽ. Ngay cả người đứng đầu của IMF, một trong những nhà kiến tạo nên gói cứu trợ Hy Lạp và con đường thắt lưng buộc bụng, đã cảnh báo châu Âu sẽ phải thận trọng khi đẩy chính sách này đi quá xa.
 
Song, người dân không phải là những người kê đơn. Khi các vị bác sĩ “khoa chính trị” vẫn nhất quyết cho rằng thuốc nào mà chẳng có phản ứng phụ thì chưa rõ tiếng nói qua những cuộc bầu cử rồi sẽ trôi về đâu. Trong khi người Pháp có thể tống ông Nicolas Sarkozy ra khỏi điện Elysee và người Hy Lạp có thể “tẩy chay” cả hai chính đảng cánh hữu và cánh tả trong cuộc tổng tuyển cử thì cũng chẳng lấy gì làm chắc chắn họ có đủ sức mạnh thay đổi cục diện hiện nay. Một cái nhún vai của người Pháp hay cái xua tay của người Hy Lạp liệu có đủ sức xoa dịu đi bóng đêm u ám vẫn đang hàng ngày bám lấy họ hay không vẫn là một câu hỏi ngổn ngang.
 
Vị Tổng thống mới đắc cử của Pháp cam kết xoay chuyển tình thế bằng việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng, cứu giúp các doanh nghiệp nhỏ, tăng thuế đối với người giàu. Một vài người cho rằng điều này sẽ chỉ làm gia tăng thêm các khoản chi tiêu, từ đó Pháp buộc phải đi vay nhiều hơn, rồi vị Tổng thống này cuối cùng cũng phải quay lại với con đường thắt lưng buộc bụng mà thôi.
 
Tạm thời hiện nay hãy cứ trông chờ xem bộ đôi châu Âu mới, “Merkollande”, sẽ làm ăn ra sao đã.
 

Thùy Dương

Từ Khóa :