Người mắc hội chứng sợ xã hội thường thất hẹn
Minh Minh
22:7 5/3/2017
Nếu có một người bạn thường xuyên hủy hẹn vào phút chót với những lý do “trời ơi đất hỡi”, đừng vội trách họ vì rất có thể người đó mắc hội chứng sợ xã hội, còn gọi là ám ảnh sợ xã hội, là một dạng trong nhóm bệnh rối loạn lo âu. Người gặp trở ngại tâm lý này rất cần sự thấu hiểu, quan tâm từ bạn bè.
Hầu như tất cả chúng ta đều có một người bạn thường khiến kế hoạch đã đặt ra khó được thực hiện như ý. Ban đầu họ chấp nhận mọi lời mời, mọi ý tưởng và có vẻ sẽ tham gia nhiệt tình. Nhưng đến phút cuối, họ thường sẽ vắng mặt với các lý do đột xuất như: đứa con nhỏ bị ốm, bố mẹ đi vắng phải trông nhà, làm việc muộn hoặc một lý do “cổ điển, nhàm chán” là bận việc gia đình.
Duncan Lindsay chia sẻ trên Metro Blogs, anh là một người thường xuyên thất hẹn vì hội chứng sợ xã hội của mình.
Duncan tâm sự: “Không phải tôi không muốn tham gia bữa tiệc, uống rượu với đồng nghiệp, ăn tối cùng bạn bè hay bày trò vui nhộn, rủ bạn bè xem kịch hay các hoạt động giải trí khác. Khi nhận được lời mời từ mọi người, tôi nghĩ điều đó thật thú vị vì biết rằng bản thân mình cũng thích tận hưởng bầu không khí náo nhiệt, vui nhộn và sẽ chấp nhận lời mời. Tôi đồng ý vì một phần không muốn mọi mang tiếng là người kém hòa đồng, không bao giờ tham gia sự kiện gì. Nhưng phần lớn thì tôi cũng nghĩ rằng hoat động đó rất hấp dẫn.

Ngay cả khi ý nghĩ muốn tham gia các hoạt động với mọi người chiếm ưu thế, những người mắc hội chứng sợ xã hội vẫn thường thấy lo lắng, e dè. Ảnh: Liberty Antonia Sadler
Thời gian trôi qua và khi sự kiện đến gần hơn, tôi lại cảm thấy lo lắng, sợ hãi. Cảm giác đó lấn át cả sự háo hức ban đầu. Tôi sợ hãi khi nghĩ tới những định kiến, điều mọi người có thể nghĩ về mình và đột nhiên không muốn tham gia nữa. Điều cuối cùng tôi nghĩ là mình đã mong đợi nhiều thế nào để gặp gỡ mọi người và thích thú với các hoạt động của công ty để trấn an bản thân.
Những suy nghĩ khác cũng lướt qua đầu tôi như: “Mình được mời chỉ vì mọi người lịch sự” hoặc “Có ai thực sự muốn mình đến đó không?”.
Duncan cũng nói rằng, anh lo lắng sẽ có những sự im lặng, lúng túng hoặc cuộc chuyện trò nhạt nhẽo vì mình không phải người hoạt ngôn, dễ bắt chuyện với người khác. Đồng thời anh cũng để ý đến hình ảnh cá nhân, nên mặc gì, nhìn mình thế nào trong ảnh, sẽ bị đánh giá thế nào về đồ ăn và thức uống mình chọn... Tất cả những suy nghĩ này khiến việc ra ngoài trở thành ý tưởng tồi tệ với Duncan.
Có những thời điểm khi vượt qua được những sợ hãi đó, Duncan thừa nhận anh đã có một ngày vui chơi khá thoải mái, thú vị. Nhưng vì sự lo lắng thường không tuân theo một trình tự logic nào nên khi bị “tấn công” đột ngột, Duncan thường cảm thấy hoảng loạn trước khi gặp gỡ mọi người.

Những người bị rối loạn lo âu cũng không thực sự thoải mái khi hủy hẹn. Ảnh: mmuffin/Metro.co.uk
Giải pháp “cứu thế” dễ dàng nhất mà những người bị rối loạn lo âu thường áp dụng khi vướng vào tình huống này là hủy hẹn. Tuy nhiên, sau khi hủy hẹn thành công, họ lại gặp phải những trở ngại tâm lý khác. Cảm giác có lỗi sẽ “gặm nhấm” họ từ bên trong vì nghĩ rằng mình đã để mọi người tụt hứng. Tiếp đó, họ lo lắng mọi người nghĩ mình là một người nhàm chán hoặc thô lỗ, bất lịch sự.
“Tôi và bạn bè tôi đều biết lý do tôi không thể đến các cuộc hẹn do con mèo của tôi không khỏe là hoàn toàn nhảm nhỉ. Chỉ có tôi biết thực chất sợ hãi là nguyên nhân chính đã níu kéo tôi lại và trở thành người thất hẹn” – Duncan chia sẻ.
Và khi lớp vỏ sợ hãi ở những người rối loạn lo âu quá dày và khiến người khác nản chí, không chắc họ có thể đưa ra lời mời tham gia bất cứ hoạt động nào ở những lần sau.
Tất nhiên, người khác không thể biết được nguyên nhân mà những người mắc chứng lo âu xã hội thường hủy hẹn. Do đó, người hay lo âu sẽ để lại ấn tượng rằng họ không phải tuýp người quảng giao, thích gặp mặt, tụ tập và giao lưu. Những người gặp phải vấn đề tâm lý này thường chỉ tự tin, vô tư trong các trường hợp khiến họ thoải mái, như gặp bạn bè cũ, những người đủ kiên nhẫn, thông cảm và thấu hiểu họ.

hứng lo lắng xã hội không tồn tại 24/7, nhưng nó có thể “tấn công” mà không báo trước. Ảnh: PA
Người mắc chứng rối loạn lo âu thường không muốn nhận cuộc gọi từ những số điện thoại lạ và có thể giam mình trong phòng riêng vài ngày nếu đọc được một bình luận khó chịu về mình trên mạng xã hội, những trường hợp bất ngờ xảy ra trong cuộc sống cũng có thể là một thách thức lớn với họ.
“Tôi yêu mến những người có mặt trong cuộc sống của mình và muốn dành thời gian với họ. Nhưng nỗi nghi ngờ, sợ hãi của tôi về một điều tồi tệ sắp diễn ra là rào cản khiến tôi không tham gia các cuộc vui cùng mọi người” – Duncan cho biết.

Những người rối loạn lo âu không thể kiểm soát sự lo lắng, sợ hãi của mình chứ không phải họ là người nhàm chán, thô lỗ. Ảnh: Getty/Metro.co.uk
Kiên nhẫn gần như là chiếc chìa khóa chính để giúp đỡ những người gặp phải hội chứng rối loạn lo âu. Không bắt ép họ phải đưa ra một câu trả lời thỏa đáng, không phê phán hay tỏ ra nghi ngờ về những gì họ nói... có thể là sự trợ giúp tốt nhất bạn dành cho họ.
Có thể bạn sẽ rất khó chịu và bực bội khi bạn của mình luôn hủy hẹn vào phút chót. Đừng vội trách móc mà hãy kiên nhẫn và dành sự cảm thông cho người bạn đó. “Nếu họ mắc hội chứng sợ xã hội mà bạn không biết, tôi có thể đảm bảo với bạn rằng tâm trạng của người bạn đó thậm chí còn xấu hơn bạn rất nhiều” – Duncan nói.
Minh Minh
Từ Khóa :