Ngành sản xuất Việt Nam quá phụ thuộc vào Trung Quốc



Ngành sản xuất Việt Nam quá phụ thuộc vào Trung Quốc

22:31 28/10/2013

85% hàng nhập khẩu của Việt Nam là từ Trung Quốc, trong đó chủ yếu là các nguyên liệu phục vụ sản xuất. Điều này không chỉ khiến khoảng cách nhập siêu hàng Trung Quốc ở Việt Nam liên tục được nới rộng nhập mà còn là lý do khiến ngành công nghiệp của Việt Nam quá phụ thuộc vào nguồn hàng đến từ quốc gia này.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, trong khoảng thời gian từ 1990 đến 2000, Việt Nam luôn là nước xuất siêu sang Trung Quốc, tuy nhiên từ năm 2001 đến nay, cán cân thương mại đã đổi chiều khi Việt Nam lại là nước nhập siêu từ Trung Quốc với tỷ lệ tuyệt đối. Chẳng đợi một kết quả điều tra cũng có thể thấy rõ điều này khi hàng Trung Quốc có mặt khắp nơi và ngày một lấn lướt hàng nội địa.
 
Tại các vựa trái cây của cả nước như Cần Thơ, Đà Lạt, hoa quả Trung Quốc được bày bán tràn lan với giá thấp hơn hẳn so với hàng trong nước. Thậm chí nhiều sạp hàng còn tráo lận tem mác của trái cây Tàu để giả danh hàng đặc sản vùng miền. Tương tự tại Hà Nội khu phố bán giày dép Hàng Dầu cũng chủ yếu là hàng Trung Quốc. Ngay cả những sản phẩm mang thương hiệu quốc tế bày bán cũng là hàng nhái được sản xuất tại Trung Quốc. Các chủ hàng ở đây cho biết, hàng Trung Quốc quá đa đạng về mẫu mã, màu sắc, giá lại thấp hơn nhiều so với hàng của các công ty trong nước hay nhập từ các quốc gia khác, bởi vậy, dễ bán hơn rất nhiều. Tại chợ vải Ninh Hiệp (Bắc Ninh), đến 2/3 là các sản phẩm bày bán có xuất xứ Trung Quốc được nhập qua đường tiểu ngạch. Khu phố bán phụ liệu cho ngành may mặc Hàng Buồm cũng chỉ toàn hàng từ quốc gia này và mẫu mã thay đổi theo từng ngày. Không chỉ vậy mà bất cứ lĩnh vực nào trên thị trường, các sản phẩm có gắn mác “made in China” cũng đều chiếm thế áp đảo, từ hàng tiêu dùng, thực phẩm đến sản phẩm văn hóa, đồ điện tử...
 
Theo Trung tâm Thông tin công nghiệp và Thương mại (VITIC), 9 tháng đầu năm 2013 có tới 43 nhóm hàng được nhập khẩu từ Trung Quốc với kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 26,74 tỷ USD.

Trong đó có 5 nhóm hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên gồm: máy móc, dụng cụ và linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; vải; sắt thép. Phần lớn hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc đều đạt kim ngạch từ vài chục đến vài trăm triệu USD/nhóm hàng.

Bộ Công Thương nhận định, với kim ngạch nhập khẩu trên dưới 3 tỷ USD/tháng như hiện nay, chắc chắn lượng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc năm 2013 sẽ vượt mốc 30 tỷ USD và nhóm hàng có kim ngạch tỷ USD sẽ không dừng ở con số 5. Nếu so sánh các con số mỗi năm thì có thể thấy tỷ lệ nhập siêu đã tăng lên khủng khiếp. Năm 2001, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc là 210 triệu USD. Năm 2009, tổng giá trị hàng nhập khẩu đạt 16,44 tỷ USD; năm 2010 là 20,018 tỷ USD; năm 2011 lên 24,9 tỷ USD; năm 2012 gần 28,8 tỷ USD. Trong 4 năm qua, Trung Quốc duy trì mức tăng kim ngạch xuất khẩu vào Việt Nam khá đều đặn, xấp xỉ 4 tỷ USD/năm.
 
Theo lý giải của các chuyên gia kinh tế thì tốc độ xuất khẩu hàng công nghiệp của nước ta trong những năm qua vẫn tăng, tuy nhiên hàng hóa của Việt Nam không đa dạng, chất lượng vẫn không bằng các nước khác nên vẫn không thể hấp dẫn và có sự cạnh tranh tại các thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, do nền công nghiệp phụ trợ của Việt Nam quá yếu kém, nên vẫn phải nhập nguyên liệu sản xuất, chủ yếu là từ Trung Quốc.
 
VnExpress dẫn lời ông Đào Ngọc Chương, Vụ phó Vụ châu Á-Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) cho biết, 85% hàng Việt Nam nhập khẩu hiện này là nguyên liệu từ Trung Quốc và Việt Nam đang ngày càng phụ thuộc vào nguồn hàng này. Thêm vào đó, kim ngạch xuất khẩu các nguyên liệu thô lại giảm mạnh. Làm mất cân đối cán cân thương mại  theo chiều hướng gia tăng hàng nhập khẩu từ TQ. Hàng nhập khẩu là sản phẩm hoàn thiện phục vụ tiêu dùng còn hàng xuất khẩu lại chủ yếu là nguyên liệu thô nên giá trị kinh tế, sức cạnh tranh không cao. Không chỉ vậy, nhiều mặt hàng chúng ta xuất khẩu nguyên liệu thô để rồi lại phải nhập về chính những sản phẩm làm từ những nguyên liệu đó ví như xuất gỗ dăm nhưng lại nhập về các sản phẩm gỗ ép, giấy... với giá cao.
 
Theo TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, nhận định trên báo Người Lao Động, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, nên doanh nghiệp không thể tự quyết mà phải phụ thuộc vào chính sách vĩ mô. Thời gian qua, Nhà nước đã có một số chính sách hỗ trợ thị trường, giúp doanh nghiệp trong nước nâng năng lực cạnh tranh, như thay đổi quy chế về đấu thầu theo hướng không chỉ nhìn vào giá mà nhìn cả đời dự án.
 
Không chỉ với trung quốc mà với nhiều quốc gia khác, Việt Nam luôn rơi vào tình trạng chưa có hiệp định thương mại tự do AFTA thì VN là nước xuất siêu nhưng sau khi ký hiệp định thì VN lại là nước nhập siêu. VN đang tiếp tục ký 8 hiệp định AFTA và đang trong vòng đàm phán  TPP đây là thời điểm để cơ cấu lại nền kinh tế nhưng cần hiệu chỉnh tốt hơn để tận dụng các cơ hội mà hội nhập mang lại. Mà những cơ hội ấy chính là đẩy mạnh xuất khẩu, thay đổi cơ cấu nhập khẩu và thúc đẩy phát triển thị trường hàng hóa thông qua mở rộng sản xuất thay thế hàng nhập khẩu và chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ được coi là những giải pháp hữu hiệu. Hướng vào xuất khẩu các hàng hóa đem lại giá trị gia tăng cao như phần mềm, linh kiện điện, điện tử...

Để loại bỏ “độc quyền” nguồn hàng như hiện nay thì doanh nghiệp cũng cần đa dạng hóa thị trường, đặc biệt là các thị trường tiềm năng như châu Phi, Trung Đông.
 
Trong biên bản Hợp tác Kinh tế Thương mại Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam đã thống nhất với Trung Quốc đưa kim ngạch song phương lên 60 tỷ vào năm 2015, thu hẹp mức nhập siêu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu không có sự chuyển hướng tích cực trong hoạt động xuất khẩu thì hàng nhập vẫn chủ yếu là từ Trung Quốc và Việt Nam sẽ mất hẳn thế chủ động trong sản xuất hàng hóa vì thiếu  nguồn nguyên liệu.
 

Từ Khóa :