Ngành bảo hiểm thích ứng thế nào với tương lai ôtô không người lái
Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ ôtô không người lái đã tác động nhiều đến thị trường ngành bảo hiểm ôtô.
Ôtô tự lái có thể hoạt động mà không cần sự can thiệp của con người. Do có phần mềm bảo vệ được tích hợp trong những chiếc xe này, người lái có thể lái xe thoải mái, tự tin hơn. Nhiều người tin rằng ôtô không người lái là tương lai để giảm tử vong và thương tích do giao thông. Chính vì vậy, các công ty bảo hiểm nên lường trước với dịch vụ bảo hiểm cho ôtô không người lái, dù có muốn hay không.
Trên thang điểm từ 0-5, với 0 đại diện cho thế giới không có phương tiện tự hành và 5 có nghĩa là một thế giới chỉ sử dụng phương tiện tự hành hoàn toàn, hiện tại, chúng ta đang nằm trong khoảng từ 0 đến 1. Cụ thể, ôtô tự lái có thể được chia thành các giai đoạn sau :
Bước 1: Các phương tiện sẽ áp dụng một số khả năng tự hành giới hạn.
Bước 2: Xe có ít nhất hai chức năng tự động, chẳng hạn như phanh khẩn cấp tự động và điều khiển hành trình thích ứng.
Bước 3: Xe sẽ chỉ tự lái một phần và cần sự chú ý liên tục của người lái.
Bước 4: Tại thời điểm này, các phương tiện sẽ hoàn toàn tự động. Nhưng chúng cũng sẽ có “tùy chọn con người” cho phép hành khách hoặc tài xế tiếp quản bất cứ lúc nào.
Bước 5: Khi không có sự cho phép của con người, tất cả phương tiện sẽ hoàn toàn tự động. Vô lăng, bàn đạp phanh và bàn đạp ga sẽ không được bao gồm.
Một số nhà sản xuất ôtô và những “gã khổng lồ” công nghệ như Google và Apple đang dành nguồn lực đáng kể để tạo ra các phương tiện tự lái. Nó không chỉ thu hút sự quan tâm của những người đam mê ôtô ở khắp nơi mà còn khiến công chúng thắc mắc: Tỷ lệ bảo hiểm ôtô của họ sẽ tăng lên bao nhiêu?
Mẫu xe không người lái Toyota Prius của Google đã được chạy thử nghiệm tự động gần 1,13 triệu km (trên 700 nghìn dặm) mà không gây ra bất kỳ tai nạn nào. Với ngành bảo hiểm, điều này đồng nghĩa với việc phần lớn trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên thứ ba sẽ tự động biến mất. Theo ước tính của Forbes, vì thế, phí bảo hiểm sẽ giảm 75%.
Tuy nhiên, với giá bán xe không người lái cao ngất ngưởng, chi phí thay thế hoặc sửa chữa bộ phận sau mỗi vụ đâm va cũng sẽ rất cao. Bên cạnh đó, nếu nguyên nhân tai nạn xuất phát từ hệ thống điều khiển tự động, thì việc tiến hành phân tích phần mềm và phần cứng để tìm lỗi sẽ hết sức tốn kém. Dù chi phí cho công nghệ này sẽ giảm dần theo thời gian và sự tiến bộ của khoa học công nghệ, song sự đắt đỏ kể trên vẫn khiến giá phí bảo hiểm và chi bồi thường tăng cao, đồng thời làm tăng nhu cầu đối với các yêu cầu bảo hiểm toàn diện xe.
Mặc dù rất khó để dự đoán tác động chính xác của phương tiện tự lái đối với các công ty bảo hiểm xe tại thời điểm này, nhưng có thể kết luận rằng sự thay đổi sẽ diễn ra từ từ, giúp các công ty bảo hiểm có thời gian thích ứng và phản ứng phù hợp. Theo một số báo cáo, có ba lĩnh vực chính mà các công ty bảo hiểm có thể cải thiện trong tương lai như:
An ninh mạng: Ngày càng trở nên quan trọng khi số lượng các tính năng tự hành trên xe và số lượng các thành phần chạy trên máy tính ngày càng tăng. Do đó, có thể gia tăng khả năng xảy ra tội phạm mạng như trộm cắp, hack và sử dụng dữ liệu ôtô không đúng cách. Các công ty bảo hiểm xe hơi sẽ sớm có thể cung cấp bảo vệ trong lĩnh vực này.
Trách nhiệm sản phẩm: Có thể phải chịu trách nhiệm lớn nếu các cảm biến và chip liên quan đến ôtô bị trục trặc do lỗi phần mềm, tràn bộ nhớ hoặc lỗi thuật toán. Các công ty bảo hiểm luôn sẵn sàng hỗ trợ chi trả cho những chi phí như thế này.
Bảo hiểm cơ sở hạ tầng: Có một tiềm năng đáng kể đối với thu nhập phí bảo hiểm hàng năm do các biện pháp như hệ thống máy chủ đám mây, tín hiệu và các biện pháp bảo vệ khác để bảo vệ người lái và tài xế. Chính phủ có thể 'tự bảo hiểm' những rủi ro này, làm giảm cơ hội mua bảo hiểm thương mại, nhưng nhu cầu bảo hiểm và bảo đảm cơ sở hạ tầng công cộng rất lớn.
Với ôtô không người lái, rủi ro có thể sẽ chuyển dịch từ người lái xe sang nhà sản xuất ôtô, tất nhiên điều này còn phụ thuộc vào các quy định pháp lý trong tương lai. Khi sử dụng công nghệ này, tai nạn xe hơi phần lớn là do trục trặc của hệ thống điều khiển, khiến nhà sản xuất phải đứng ra mua bảo hiểm cho toàn bộ xe của mình thay vì từng chủ xe mua bảo hiểm như hiện nay. Như vậy sẽ có sự dịch chuyển từ dòng sản phẩm bảo hiểm cá nhân sang bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm, hệ quả là nguy cơ tích tụ rủi ro tăng cao trong trường hợp lỗi hệ thống ảnh hưởng tới hàng loạt xe cùng lúc. Tuy nhiên, nhu cầu bảo hiểm cá nhân về ôtô vẫn tồn tại vì việc sử dụng công nghệ mới không loại bỏ được hoàn toàn các lỗi do con người gây ra.
Chẳng hạn khi xe bị sử dụng quá công suất gây tai nạn thì trách nhiệm sẽ thuộc về chủ xe.
Những dự đoán trên đây sẽ vẫn chỉ là dự đoánnếu công nghệ ôtô không người lái không được áp dụng phổ biến. Tuy nhiên, không có nghi ngờ gì về việc ôtô không người lái sẽ có tác động sâu rộng đến ngành bảo hiểm ôtô. Các doanh nghiệp bảo hiểm khai thác được lợi thế từ quy mô dữ liệu tăng lên và thiết kế sản phẩm phù hợp với sự dịch chuyển rủi ro sẽ là người đi trước đối thủ và có khả năng tìm kiếm các cơ hội lợi nhuận trong điều kiện cạnh tranh gay gắt của thị trường.
Tiến Dũng
Theo Tạp chí Ô tô Xe máy Việt Nam