“Dự thảo luật đất đai (sửa đổi) vẫn quy định rõ đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu. Quy định đó không ảnh hưởng gì đến quyền của người dân. Trước đây quy định người dân có 10 quyền, bây giờ không có gì thay đổi vẫn là 10 quyền đó. Nghĩa là không phải vì thế mà quyền người dân bị hạn chế đi, hay quyền nhà nước bị hạn chế”.
Đất đai là một phạm trù phức tạp, là nguyên nhân sinh ra nhiều mâu thuẫn, bất ổn xã hội. Xưa đã thế mà nay thì cũng vẫn thế. Thậm chí, đất đai có thể là động lực cho những thay đổi lịch sử, như cải cách ruộng đất được khởi động năm 1953 đã làm nức lòng bao nhiêu người nông dân mặc áo lính xông lên trong trận Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Còn nay thì khiếu kiện về đất đai đang là nguyên nhân của không ít hơn 70% các vụ khiếu kiện đang xảy ra trong cả nước.
Vậy nếu giải quyết được vấn đề đất đai thì những vấn đề đặt ra cho mô hình phát triển kinh tế thị trường theo định hướng XHCN của Việt Nam đương nhiên là đã được giải quyết xong. Tuy nhiên, từ một định hướng khá là đơn giản: kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, nhưng khi vào đất đai nó đã được triển khai thành bốn mô hình quản lý đất khá là khác nhau ở ba đô thị trung tâm của ba vùng đất nước: TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hà Nội. Mô hình cuối cùng tồn tại ở nông thôn trong cả nước.
Mô hình quản lý thứ nhất. có thể gọi là mô hình thị trường, đang được áp dụng tại TP.Hồ Chí Minh. Ở đây, giá cả được xác định trên thị trường theo cung và cầu. Khi cung tăng cầu giảm, như cách đây hai năm, giá nhà đất điều chỉnh giảm với khởi đầu là cú giảm mạnh của Hoàng Anh Gia Lai. Nói chung, so với cả nước, ở TP. Hồ Chí Minh nhà đất khá là dễ mua, dễ bán, đồng tiền lưu thông nhanh.
Mô hình thứ hai, mô hình có điều khiển (hay còn có thể gọi là mô hình kế hoạch hoá chỉ huy tập trung) được thi triển tại Đà Nẵng. Chính quyền địa phương định giá đất, đền bù và người dân bắt buộc phải chuyển đi nơi khác.Có sự chuyên tâm nhất định ở đây dành cho người bị thu hồi đất nào quá khó khăn để có nhà với số tiền đền bù có thể có được một chỗ ở nào đấy. Không như họ mong muốn, tất nhiên!
Mô hình thứ ba được ưa thích tại Hà Nội, có thể được gọi là mô hình tùy cơ ứng biến. Ở đây nhà nước công bố giá, còn người dân có chấp nhận nhận tiền và di dời hay không thì tùy và nhà nước có cưỡng chế thu hồi hay không cũng tùy. Nổi bật là trường hợp giải tỏa đất ở ngã tư Hai Bà Trưng -Hàng Bài (Hà Nội), khi giá đất của gia đình cuối cùng được nâng dần lên tới gần một tỷ một mét vuông, và nhà nước vẫn phải cưỡng chế. Mà người dân vẫn bất bình. Nhưng ai cũng thủ lợi, kể cả cơ quan chịu trách nhiệm giải tỏa, khi dám liều.
Trong khi đó, ở các vùng nông thôn trong cả nước thì việc thu hồi đất có lẽ vẫn còn mang nhiều màu sắc tiền kinh tế kế hoạch lẫn thị trường. Giống như thời xa xưa, địa phương thu hồi đất khi có nhu cầu. Giá đền bù tất nhiên không theo thị trường mà có lẽ cũng ít khi tính tới thị trường. Cá biệt như ở Vĩnh Long hồi tháng 8 năm nay, chính quyền thu đất của dân không trả tiền dẫn tới đổ máu. Hay như ở Tiên Lãng lúc đầu năm, thu hồi đất của nông dân Đoàn Văn Vưon khiến cho đạn hoa cải của súng tự tạo được nổ bung.
Hậu quả của luật đất đai hiện hành với các mô hình quản lý được sáng tạo triển khai là tiền bồi thường không đủ tái định cư, hạn điền kìm hãm sản xuất nông nghiệp và quy hoạch treo làm khốn khó đời sống người dân và rất nhiều thứ hệ lụy khác, nhất là những cái liên quan đến sự tha hóa của bộ máy nhà nước.
Vậy nên sửa đổi luật đất đai thì đúng rồi. Nhưng sửa đổi thế nào thì không ai rõ.
Theo tinh thần hội nghị trung ương lần thứ 6 vừa kết thúc giữa tháng 10 thì mô hình kế hoạch hoá tập trung được áp dụng tuyệt đối cho thị trường quyền sử dụng đất. Nôm na là Nhà nước có quyền chỉ huy tập trung đối với việc thu hồi đất của người đang sử dụng để giao người khác sử dụng trên cơ sở quy hoạch đất đã được phê duyệt.
Cụ thể hóa quan điểm này, xét theo ý kiến người có trách nhiệm nhất, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hảỉ, thì dự thảo luật đất đai mới sẽ không làm thay đổi quyền của người dân, cũng không làm ảnh hưởng đến quyền của Nhà nước. Tức là những nguyên lý của luật đất đai năm 2003 thì đúng rồi, chỉ còn các quy định để thực hiện các quyền đó là có vấn đề mà thôi. Ông cho rằng giá đất phải có tính liên tục không có chuyện mỗi năm quy định một lần, khi cập nhật biểu giá đất thì phải giao công ty tư vấn độc lập làm, và Nhà nước sẽ can thiệp sâu hơn vào chuyện xác định giá đất vùng giáp ranh các tỉnh khác nhau. Ông cũng muốn rằng lần này Chính phủ, các Bộ phải vào cuộc để quy định rõ nguyên tắc định giá giáp ranh.
Cũng theo ông Hải, Nhà nước chủ động thu hồi đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố và khi 2/3 số người liên quan đồng ý thì đó chính là sự đồng thuận chung. Nếu còn 1/3 không đồng ý thì phải chịu.
Đến cấp triển khai cụ thể, Bộ Tài nguyên môi trường, thì cụ thể hơn nữa. Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đã trình Quốc hội luật đất đai sửa đổi. Theo đó việc định giá đất theo mục đích sử dụng đất tại thời điểm Nhà nước có quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, tính giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước và tính các khoản tài chính khác theo quy định, theo thời hạn sử dụng đất; phù hợp với giá đất phổ biến của loại đất có cùng mục đích sử dụng đã thực hiện thành công trong các trường hợp chuyển nhượng, giá trúng đấu giá quyền sử dụng đất (giá thị trường) hoặc phù hợp với thu nhập từ việc sử dụng đất.
Ông Quang làm rõ thêm vai trò của Nhà nước: “Quy định Nhà nước chủ động thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất cấp huyện đã được công bố để tạo quỹ đất sạch. Sau đó, Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo hình thức đấu giá hoặc không đấu giá quyền sử dụng đất. Đối với dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhà đầu tư trong nước thực hiện nhận chuyển quyền sử dụng đất để thực hiện dự án”.
Có mấy vấn đề đáng suy nghĩ ở đây.
Một là, với những tinh thần và diễn giải như thế, câu chuyện vẫn chỉ là thắt lại ở cấp thực hiện việc quy hoạch, việc thu hồi đất đai có phải là những người tốt hay không. Nhà nước là ai đó cao siêu nhưng người thực hiện là cụ thể. Quyền biến hóa vẫn ở trong tay họ. Cơ chế vẫn không có giải pháp để kiểm soát những người thực hiện ngoài việc hô hào họ phát huy tinh thần trong sáng của người đảng viên. Nhưng khi có một bộ phận không nhỏ đảng viên đang có vấn đề thì sẽ như thế nào?
Hai là cơ chế định giá đất. Muốn có cơ chế đó phải có sự hoạt động thật của thị trường đất đai và có sự phân xử độc lập của tòa án khi tranh chấp xảy ra. Nhưng, xin nhắc lại, định hướng vẫn là mô hình kế hoạch hoá tập trung được áp dụng tuyệt đối cho thị trường quyền sử dụng đất, tức là không phải thị trường quyết định cuối cùng.Và tòa án cũng khó làm việc khi người vi phạm có thể là người thuộc một bộ phận không nhỏ.
Cuối cùng, nhưng là trước hết, quyền của người dân với tài sản đất của mình được bảo vệ như thế nào. Luật cũ đã quy định 10 quyền sử dụng đất, chỉ trừ mỗi một quyền cuối cùng để luật đất đai Việt Nam tương thích với thế giới, vẫn không ngăn được sự lạm quyền của các cấp có quyền. Vậy luật mới không thay đổi gì những quyền người dân đã có, cũng không bớt gì quyền của Nhà nước đang giữ, vậy ra luật mới để làm gi?
Vậy làm sao giải quyết được những bức xúc lớn về tình trạng tham nhũng nhiều trong quản lý đất đai, tình trạng khiếu kiện nhiều...và mất ổn định xã hội do đất đai gây ra phải là kỳ vọng của người dân đối với luật đất đai sửa đổi.
Đất đai là việc lớn nhất của đời người, của xã hội.Vì nó là việc lớn nên luật càng phải đơn giản và dễ hiểu về nguyên lý. Luật cũ 2003 đã đẻ ra ít nhất 4 mô hình quản lý với vô vàn biến thái cụ thể chỉ đơn giản cho thấy rằng đối với đất đai con người có thể bị xoay chuyển như thế nào vì những lợi ích thường ngày. Luật mới phải khắc phục được những cái đó.
Ngày xưa người nông dân không biết chữ. Hai bà nông dân, có lẽ không biết luật, điểm chỉ vào tờ giấy rồi lý trưởng áp triện vào cũng là xong một cuộc mua bán đất đai. Nay luật đất đai năm 1993 chỉ sau 10 năm thi hành đã có khoảng 300 văn bản hướng dẫn thi hành. Tương tự, luật đất đai năm 2003 dù chưa thống kê đầy đủ nhưng ước có khoảng 400 văn bản hướng dẫn thi hành của các cấp từ trung ương đến địa phương. Nếu dự thảo luật đất đai lần này được thông qua, sẽ có kỷ lục Guiness về văn bản hướng dẫn hay không?
Hình như việc sửa đổi Luật đất đai cũng hơi giống như câu chuyện vui của nhà điêu khắc tượng, về bản chất “người sáng tạo” vẫn chỉ muốn như vậy, nhưng khi có nhiều góp ý quá, họ đành phải chỉnh sửa chút ít bằng động tác giả, “cạo nhẹ vào không khí và rắc chút bột rơi xuống đất” để cho thấy có sự tiếp thu góp ý. Và quả thật, người đứng xem cũng có phần bị tác động đến cảm xúc mà công nhận là có mới, có khác. Nhưng đó là nghệ thuật mang tính chất cộng đồng, còn Luật sửa đổi đất đai có văn bản đàng hoàng, muốn làm “động tác giả” cũng không dễ vì nó liên quan đến lợi ích của từng người dân, nên chuyện sửa đổi đã không có ý tưởng gì mới thì đừng làm mất công của cả Quốc hội.
Bình luận