Giải pháp lạ chống đói và cứu môi trường: Đưa cá lên bờ
Hãy tưởng tượng một thế giới nơi các trang trại chăn nuôi bò, lợn và gà bị ô nhiễm và được thay thế bằng lũ cá hồi nhanh lớn. Nghe có thể hơi kỳ lạ, nhưng đó có thể là sự thay đổi lớn trong cách thức chúng ta nuôi sống bản thân như thế nào, mà vẫn có thể “hiếu kính” với Mẹ Thiên Nhiên.
Ảnh: Oliver Munday
Viện Nước ngọt của Quỹ bảo tồn ở Shepherdstown (West Virginia, Mỹ) được đặt trong một nhà kho lớn bao quanh bởi cánh đồng và đồng cỏ dọc theo con đường làng. Bên trong Viện là một bể cá hình tròn có thể tích lên tới 150.000 lít, không khác mấy bể bơi thông thường, nhưng có ô cửa sổ bên mạn bể. Bên cạnh đó là một vài tháp nước lọc lớn, được thiết kế để loại bỏ, xử lý các chất thải dư thừa như đồ ăn và phân cá rồi sau đó phân loại thành phân đạm, phân lân trong thùng chứa bên ngoài tòa nhà. 99% nước được tái sử dụng lại thay vì thải ra môi trường.
Đặc biệt, hồ cá này nuôi cá hồi, loài sinh ra ở nước ngọt, di cư ra biển phát triển rồi quay về nhà đẻ trứng. Tòa nhà được thiết lập để mô phỏng quá trình sống đó của cá hồi, nhưng chỉ với môi trường nước ngọt. Do đó, cá hồi có thể sống toàn bộ cuộc đời ở đây, bắt đầu từ trứng trong các khay chứa đầy nước được kiểm soát về nhiệt độ, rồi khi trở thành “thiếu niên” chúng sẽ được chuyển sang bể cá nhỏ trước khi đến bể mô phỏng theo cuộc sống đại dương. Cuối cùng, đi qua máy chế biến, làm đông lạnh rồi kết thúc trên mâm cơm nhà bạn.
Kể từ khi bắt đầu bắt đầu mô hình này vào năm 1990, Viện đã hoạt động như một tổ chức thương mại, chạy các nghiên cứu để chứng minh rằng hệ thống nuôi trồng thủy sản trên đất liền cũng hiệu quả về mặt chi phí như bất kỳ phương án nuôi truyền thống nào. Kết quả tạo ra một sản phẩm có tính địa phương, bền vững, thân thiện với môi trường, nhưng vẫn vô cùng tự nhiên.
Bể cá Viện Nước ngọt với 99% là nước tái sử dụng là nơi nuôi những con cá hồi không bị vướng phải chất thải độc hại từ các loài khác, như câu chuyện của Chile tháng 3/2016. Ảnh: Scott Tsukuda
Mô hình này cũng đại diện cho viễn cảnh thường được mô tả trong các cuốn tiểu thuyết: biết chính xác với những gì xảy ra với thực phẩm của mình, kể từ thuở khai sinh đến khi lên đĩa. Bếp trưởng Jeffrey Lewis của nhà hàng Chart House đánh giá rất cao món cá lấy nguyên liệu từ quy trình này: ngậy, ngon… thơm mùi bơ, phô mai. Steve Summerfelt, Giám đốc nghiên cứu hệ thống nuôi trông thủy sản của Viện, người thích gọi đây là “hệ thống nuôi kín trên đất” thay cho cách gọi kỹ thuật vốn có, tự hào nói: Ở đây, chúng tôi nuôi những con cá giá trị hơn nhiều con bò hay con gà.
Nhưng trang trại cá này không chỉ là giải pháp cho một món ăn thơm ngon, mà có thể là câu trả lời cho những quan ngại về việc cân bằng giữa nhu cầu ăn uống của con người với sự biến đổi khí hậu.
Nhiều nghiên cứu đã tố cáo rằng: chăn nuôi thậm chí còn gây hại hơn cả xả thải từ xe hơi và đóng góp lớn cho hiệu ứng nhà kính. Tuy nhiên, con người lại cần thực phẩm từ chăn nuôi, như một nguồn protein dồi dào và tránh suy dinh dưỡng. Khi dân số dự kiến tăng thêm 30% vào năm 2050 (đạt 9,7 tỷ người), nhu cầu với chăn nuôi lại càng bức thiết.
Nếu như không thể cắt giảm nhu cầu, vậy hãy làm cho nguồn cung sạch hơn. Quan điểm đó đã tạo nên trang trại cá thân thiện với môi trường như của Viện Nước ngọt, thay thế cho chăn nuôi thịt heo, bò, gà bị coi là có hại với môi trường. Đặc biệt, cá không chỉ là sự thay thế, mà nó thậm chí tốt hơn nhiều, với lượng chặt béo bão hòa ít hơn thịt bò, cũng như lượng omega-3 cao hơn giúp kiểm soát huyết áp, mức cholesterol. Nhưng cá ngày nay, đặc biệt loài ít bị nhiễm độc từ hoạt động xả thải của con người, lại ít hơn nhiều: Hơn 90% loài cá bị khai thác cạn kiệt hoặc đánh bắt quá mức. Điều đó đơn giản là sẽ khiến con cháu của chúng ta chết đói trong tương lai, nếu không làm điều gì để thay đổi.
Hình minh họa các nguồn xả thải khí gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu
Phương pháp nuôi trồng thủy sản phổ biến hiện nay buộc cá phải “uống” đủ thứ thuốc chống lại bệnh tật và ký sinh trùng, trong khi thức ăn thừa và chất thải của cá lại ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường - dẫn tới sự bùng phát của tảo độc đã giết chết ít nhất 27 triệu con cá hồi được nuôi ở Chile hồi tháng 3/2016.
Tất cả những vấn đề trên cùng với sự tích tụ gây các chất gây ô nhiễm thông dụng như thủy ngân và hợp chất nhân tạo PCB sẽ biến mất khi đưa cá vào quy trình nuôi khép kín.
Từ góc độ kinh tế, tương lai của trang trại cá là rất khả quan, khi cá hồi là một trong những loài cá được tiêu thụ nhiều nhất với giá bán khá cao. Có lúc, một con cá hồi Na Uy nhập khẩu vào mỹ có giá tương đương một thùng dầu. Từ góc độ môi trường, nó cũng là loài rất tuyệt vời khi tỷ lệ chuyển đổi thức ăn là 1-1, tức là 1kg thức ăn cũng giúp cá lớn thêm chừng 1kg. Trái ngược với nhiều loài cá khác, gia cầm, và đặc biệt gia súc (có tỷ lệ 6-1, để tăng 1kg có thể cần khoảng 6kg thức ăn).
Ngoài Viện Nước ngọt, có khoảng hơn một chục trang trại cá hồi đang hoạt động trên toàn cầu. Atlantic Sapphire hứa hẹn cung cấp khoảng một phần năm nhu cầu của người mỹ trong 10 năm tới. Johan Andreassen, người sáng lập kiêm CEO, tự ví von công ty mình như một Tesla… phiên bản cá. Ông tin rằng không có lý do để nhập khẩu cá ngon với chi phí đắt đỏ, những trang trại cá sẽ thay đổi đáng kể bản đồ thủy hải sản thế giới. Đây cũng có thể hiểu như một lời cảnh báo với các nước như Việt Nam, có nền xuất khẩu dựa lớn vào thủy hải sản như cá tôm giá rẻ. Dự báo, đầu tư vào các trang trại cá sạch ở Mỹ sẽ tăng khoảng 7,5% trong thập kỷ tới, một nguy cơ rất hiện hữu với ngành thủy hải sản Việt Nam.
Ảnh: conservationfund.org
Tất nhiên, trong khi giảm được phần lớn chi phí vận chuyển và đóng gói, nhà đầu tư sẽ phải bỏ một số tiền cao gấp đôi so với đánh bắt trên đại dương hay nuôi trồng truyền thống để xây dựng cơ sở sản xuất. Ngoài ra, chi phí thức ăn cho cá có thể sẽ tăng lên theo cùng nhu cầu mở rộng của các trang trại cá. Do đó, ba trong bốn trang trại cá mới của Mỹ đã thất bại. Nhưng cuộc sống cũng không thiếu giải pháp. Superior Fresh ở Northfield, Wisconsin phát triển thức ăn cho cá bằng cách tái sử dụng chất thải cá làm phân bón cây. Hoặc có thể học theo Bell Aquaculture nuôi cá hồi trout (loài cá không di cư ra biển) thay cho cá hồi salmon, có khả năng quay vòng vốn nhanh hơn. Còn Freshwater có thêm một cách thức khác gia tăng giá trị cho cá của mình: họ sử dụng phương trình làm cá đặc biệt nhanh gọn, cá không kịp hoảng sợ, căng thẳng (có thể nói là một cách “hóa kiếp” nhân đạo) và do đó, giảm sự tích tụ acid lactic trong thịt, hay độ ngon tăng thêm.
Nhà quản lý thủy sản Steve Philips thừa nhận chi phí sản xuất vẫn còn cao, do đó, giá cá nuôi theo phương pháp này cũng không rẻ. Tuy nhiên, ông khẳng định họ không cạnh tranh với cá hồi truyền thống, khi sản phẩm này chạy trên phân khúc riêng. Ông kỳ vọng khách hàng sẽ xếp hàng mua khi họ yêu thích sự thân thân thiện mà nó đại diện. Và khi càng được yêu thích, nhiều nhà sản xuất nhảy vào, chi phí sẽ càng giảm. Thương mại hóa chỉ là vấn đề thời gian.
Theo Fast Company
Xem thêm:
Cá hồi Na Uy chứa chất gây ung thư?
Bỏ đập thủy điện để bảo vệ cá và nước
Dân Chile biểu tình sau kết luận hải sản chết do thủy triều đỏ
Sinh viên “ngủ đông” cá thay đổi mâm cơm “ngậm độc” của người Việt
Thủy Thu