Gánh hàng rong, vỉa hè và những bát cơm chan nước mắt
Trong cái phố xá ồn ào đầy bụi bặm của khói xe, còi trật tự và tiếng người đông nghẹt từ sáng sớm đến đêm khuya, Hà Nội trườn dài trong những gánh hàng rong lầm lũi trên vỉa hè của những tuyến phố sầm uất bậc nhất đất nước. Những người phụ nữ trung tuổi bao nhiêu năm vẫn bám víu lấy vài mét vuông vỉa hè làm nơi mưu sinh duy nhất. Họ không có ngày 8/3. Họ là một thế giới khác biệt, được ngăn cách với thế giới hào nhoáng của những khách du lịch và thị dân thành phố.
Muốn con thành đạt thì mẹ phải đánh đổi
Vỉa hè Hà Nội dường như đã trở thành cần câu cơm của những gia đình nông thôn lên thành phố làm lụng với giấc mơ cho con cái một tương lai tốt đẹp. Cuộc sống của những ông bố bà mẹ này đời này qua đời khác gắn liền với những mảnh ruộng và công việc đồng áng chân lấm tay bùn. Nông thôn bây giờ đang được công nghiệp hóa, một số đi làm công nhân cho các xưởng do các ông chủ ở thành phố lập ra. Số khác đi xuất khẩu lao động, một vài năm chịu bao cay đắng tủi nhục nơi xứ người cũng gửi được tiền về xây một ngôi nhà khang trang, rộng rãi. Trong số những người từ bỏ mảnh ruộng ở quê hương, có không ít người lên thành phố làm việc. Có nhà cả vợ cả chồng kéo nhau lên Hà Nội, sống chui rúc trong những căn nhà trọ ọp ẹp để rồi chỉ kịp ngủ một giấc ngắn ngủi trước khi trời sáng, lại nhọc nhằn dậy sớm chuẩn bị cho gánh hàng ngày mai. Những ông chồng bắt đầu đi hành nghề xe ôm, xe ôm nơi phố cổ được cho là những kẻ “cá kiếm” nhất trong đám “đồng nghiệp” đang ngày ngày cày cuốc ở các địa điểm khác. Đấy là thời điểm cách đây mấy năm – thời còn chưa có Uber, Grab. Bây giờ, những ông chồng đi làm xe ôm cũng ngủ vùi trên chiếc xe máy cà tàng giữa tuyến phố tấp nập người qua, kẻ lại, công nghệ đôi khi tàn nhẫn đến mức có thể “chặt đứt” cái cần câu cơm của bất cứ kẻ nào.
Tôi đi qua phố Hàng Đào – con phố mấy ngày gần đây trở thành trọng điểm trong chiến dịch “đòi lại vỉa hè” của Hà Nội. Ở đây, có sẵn một chốt của công an phường, kể từ đầu con phố, Hàng Đào trở thành “cấm địa” của tất cả những người bán hàng rong. Bà Vi Thị Bích Thuận đã có thâm niên bán hàng rong 5 năm tại khu vực Hoàn Kiếm. Bao đời làm nông, cuộc sống bấp bênh, khổ cực đã đưa bà tới mảnh đất thủ đô hoa lệ. Quá nửa đời người nhọc nhằn với bùn lầy và cây lúa, cây mạ, tưởng chừng cuộc sống về già sẽ an nhàn, sung sướng. Nhưng vì đông con, những đứa trẻ cứ lớn lên lại đi học rồi lại vào Đại học khiến cho nỗi vất vả ngày càng đè nặng lên vai người đàn bà khắc khổ. “Bây giờ muốn con học hành cho thành đạt thì mẹ phải hi sinh. Ở nhà quê thì không thể kiếm đủ tiền để nuôi con ăn học đàng hoàng được. Bây giờ nhà cô chỉ có 1 – 2 xào ruộng, có nuôi thêm con gà, con lợn thì vẫn bấp bênh lắm, làm sao đủ ăn, không đủ ăn thì còn lấy gì cho con cái ăn học. Bây giờ mẹ phải ra ngoài phố bươn trải, kiếm lấy vài đồng bạc để con cái còn được học hành. Con nhà cô đi học thì bao nhiêu khoản phải đóng góp, giờ chỉ cần cô chú ốm đau nghỉ một ngày đã chẳng đủ tiền nuôi các em, chứ mất cái vỉa hè này cũng chẳng khác nào nhà cô mất luôn cả cái bát cơm tủi nhục” – bà Thuận chia sẻ.
Người đàn bà bán gánh hoa quả bên lề đường này còn có một người chồng bị viêm phổi. 5 năm trước hai vợ chồng kéo nhau lên thành phố trước cái phong trào từ bỏ ruộng vườn ở quê hương. Chồng bà dù bệnh tật vẫn chạy xe ôm đều đặn mỗi ngày. Từ khi phát hiện bệnh sức khỏe ông ngày càng đi xuống. Những khi thời tiết thay đổi, bệnh trở nặng phải nhập viện, gánh thêm khoản tiền thuốc men, bà Thuận lại bươn trải một mình với cái gánh hàng rong giữa đời nặng nhọc.
Những “chấn thương” nơi thị thành
“Muốn đẹp thì phải chịu đau” – câu nói tưởng chừng chỉ dành cho loài người nay lại để dành cho Hà Nội – mảnh đất Kinh Kỳ bấy lâu vẫn được “chắp vá” bởi nét văn hóa hình thành từ sự giành giật, lơ lửng, đấu tranh trong cái mét vuông nhỏ bé giữa phố phường. Giống như Sài Gòn, Hà Nội từ bao nhiêu năm nay đã tiến hành vô vàn cuộc “thanh trừng” những gánh hàng trên vỉa hè với khao khát tìm kiếm được vẻ đẹp của Singapore diễm lệ. Trải qua bao cuộc “binh biến”, Hà Nội vẫn giống như những cô “kếu” tân thời, được trang điểm bởi vô vàn sự chắp vá, hoài nghi, tranh cãi. Trong cái mét vuông nhỏ thó giữa thủ đô, chúng tôi lại tìm được những “chấn thương” khác của kiếp người giữa thị thành. Bà Thuận bảo: “Cô biết chính sách của nhà nước không cho bán hàng rong. Cũng biết vỉa hè là đất của nhà nước, là nơi để dành cho người đi bộ. Nhưng không đi buôn, đi bán thì gia đình cô không thể sống được cháu ạ. Cô khổ sở bao nhiêu cũng chỉ để các em được học hành, bây giờ không có học, con cái lại quay lại cảnh lội ruộng như bố mẹ chúng nó thì khổ lắm”.
Ở giữa thủ đô cũng tồn tại những gia đình bán hàng rong từ đời này qua đời khác. Đi theo người phụ nữ vừa bị công an phường “áp tải” ra khỏi phố Hàng Đào, tôi được nghe bà kể câu chuyện về một gia đình Hà Nội quăng quật với những gánh hàng suốt 3 đời từ ông bà, bố mẹ đến con cái. Người đàn bà này có thâm niên trong nghề bán hàng rong đã được 35 năm. Từ khắp những vỉa hè nhộn nhịp ở quận Hoàn Kiếm, cái thúng hàng của bà trượt dài vào cuộc đời tăm tối, nặng nhọc. Bà kể, nhờ có cái gánh hàng rong “di động” này mà bà đã nuôi được cả mấy người con khôn lớn, bây giờ, vỉa hè lại là nơi cưu mang hai đứa cháu nội của bà. “Bây giờ khó khăn như thế thì cả nhà tôi chết đói, cũng chỉ mong nhà nước để cho những gia đình như nhà tôi còn có chỗ dựa để sống. Tuổi chúng tôi cũng già cả hết rồi, đi làm thuê thì không ai nhận mà công việc nặng nhọc cũng không đủ sức làm. Hai vợ chồng chẳng ai có đồng hưu, bao nhiêu năm nay ông nhà tôi chạy xe ôm với cái vỉa hè này mà vợ chồng tôi mới sống được”, bà vừa nói, vừa uống vội cốc trà nóng ở một quán nước ngoài vỉa hè. Bà chủ quán nước chè nói với tôi: “Cô ấy là khách quen ở đây, bê thúng đi bán suốt từ sáng tới tối, qua hết phố này đến phố khác. Không có chỗ để nghỉ chân nên cô hay ghé qua quán nước này, bao giờ có khách lại tất tưởi chạy ngang chạy dọc”.
Việc trả lại vỉa hè cho người đi bộ là một gánh nợ mà những người tiền nhiệm quản lý Hà Nội để lại cho lớp kế cận. Giấc mơ văn minh trong thiết kế của người Pháp để lại đã rất xa so với thực trạng Thủ đô trong nền kinh tế thị trường giờ lại trỗi dậy. Tuy nhiên, việc dỡ bỏ thô bạo nhưng thành phần cơ hữu của lớp cần lao đã không còn cơ hội kiếm sống tại quê nhà có thể tạo nên những chấn thương xã hội vô cùng lớn. Đó không chỉ là sự can thiệp hành chính vào những kí ức được hình thành trên cơ sở tự phát, đó còn là sự tác động của luật lệ đến những cuộc đời bé nhỏ đang lang bạt giữa lòng thủ đô.
Phạm Trang