EVN tăng giá điện để bù vào hàng nghìn tỷ tự làm lỗ
Huy Anh tổng hợp
21:50 7/1/2013
Tính đến cuối quý III/2012, tập đoàn EVN đã lãi từ 3.500-4.000 tỷ đồng, song ngày 22/12 vừa qua Bộ Công thương vẫn ra quyết định tăng giá điện, bởi theo lãnh đạo của tập đoàn, khoản lãi này được dùng để bù cho những khoản lỗ 11.000 tỷ đồng 2 năm trước trong số đó có một phần lớn là thua lỗ do đầu tư ngoài ngành vào chứng khoán, bất động sản, viễn thông…
Lãi… chồng lãi
Báo cáo tài chính quý III/2012 của các doanh nghiệp ngành điện cho thấy, hầu hết các công ty thủy điện thuộc EVN hoặc do EVN chi phối vốn đều đạt lợi nhuận rất lớn nhờ vào việc tăng giá bán điện và sản lượng điện tăng (65%). Nhiều công ty thu lợi nhuận gấp 300-400% so với cùng kỳ năm 2011. Ngoài ra, hàng loạt các công ty trong và ngoài ngành điện cũng lãi lớn, thể hiện trong báo cáo kết quả kinh doanh quý III.
Trong báo cáo quý mới nhất của Công ty CP Thủy điện Thác Bà (thuộc EVN), kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2012 cho thấy lợi nhuận sau thuế đạt 97,7 tỷ đồng, tăng 303,5% so với cùng kỳ năm trước. Tại Cty Cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh, đơn vị EVN đang nắm hơn 30,5% vốn điều lệ. Theo ông Võ Thành Trung, Giám đốc Công ty, năm 2012, công ty sản xuất với tổng sản lượng điện ước đạt 850 triệu kWh, tổng doanh thu đạt 567,1 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ước đạt khoảng 360,4 tỷ đồng.
Phó Tổng GĐ EVN Đinh Quang Tri cho biết, theo hạch toán, năm 2012 EVN lãi khoảng 4.000 tỉ đồng, chưa kể khoản lợi nhuận từ việc tăng giá điện thêm 5% từ ngày 20/12/2012. Trong khi đó, lợi nhuận thật sự năm 2012 của EVN còn có thể cao hơn nhiều mức dự tính hiện nay của tập đoàn này, do nhiều khoản chi phí đã được giảm trừ, các khoản lợi nhuận khác cũng chưa được tính đủ như cổ tức từ các nhà máy thuộc EVN, tiền cho thuê cột điện, tiền chuyển giao EVN Telecom cho Viettel…
Nhưng lỗ… dân chịu
EVN lãi lớn nhiều ngàn tỷ đồng song lãnh đạo tập đoàn này vẫn lên kế hoạch tăng giá điện với thái độ dứt khoát “không thể không tăng”. Và ngày 20/12/2012 vừa qua, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư quy định về giá bán điện mới, điều chỉnh tăng 5%, có hiệu lực từ ngày 22/12/2012. Đây là lần thứ 2 trong năm 2012, EVN tăng giá điện với tổng cộng 10%. Lần thứ nhất tăng vào ngày 1/7/2012.
Trong khi Phó Tổng GĐ EVN Đinh Quang Tri cho rằng giá bán điện ở Việt Nam là rẻ nhất khu vực thì một lãnh đạo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đã phát biểu trên báo Tiền Phong rằng, sau khi tăng giá thêm 5% vào 1/7/2012, giá điện bán lẻ lên mức 1.506 đồng/KWh (tương đương 7,2 cent/kWh) và không hề thấp so với một số nước. Với mức giá điện tăng thêm 5% vào ngày 22/12/2012 thì giá điện đã tăng tương ứng gần 8 cent/kWh. Như vậy lý do EVN đang bán rẻ không còn phù hợp. Bên cạnh đó, việc so sánh với các quốc gia khác không có ý nghĩa trong việc quyết định giá bán, mà trước hết phải căn cứ vào thị trường trong nước.
Có một thực tế mà EVN luôn lờ đi, đó là việc tổn thất điện năng của tập đoàn này quá lớn, tính đến hết năm 2012 vẫn ở mức 9,8%. Tỏ ra rất quyết đoán và có phần lạnh lùng khi tăng giá điện vào thời điểm cực kỳ khó khăn đối với các doanh nghiệp hiện nay, Phó Tổng GĐ EVN Đinh Quang Tri cho rằng, bản thân các doanh nghiệp phải tự cân đối chi phí đầu vào, EVN không ngồi tính thay được. Tuy nhiên, bản thân EVN cũng không tự xử lý được các vấn đề của mình để tổn thất điện năng quá lớn, gây lãng phí hàng ngàn tỷ đồng. Nếu tự xử lý được vấn đề của mình, EVN cũng tự kiếm được lời trong túi mình mà không phải viện đến chuyện tăng giá.
Một trong những nguyên nhân chính mà EVN cho rằng không thể không tăng giá điện là do số lãi năm 2012 sẽ được bù cho tổng lỗ 11.000 tỷ đồng của 2 năm trước. Tuy nhiên, bên cạnh những nguyên nhân xuất phát từ chi phí đầu vào tăng cao gây lỗ, EVN cũng chịu một khoản lỗ không nhỏ từ hoạt động đầu tư ngoài ngành. Chưa kể EVN đã “nướng” 2.100 tỷ đồng vào chứng khoán, lỗ tới 1.000 tỷ đồng; hệ số nợ/vốn chủ sở hữu của EVN Telecom lên đến 5,1 lần, riêng năm 2012 lỗ đến 1.057 tỷ khiến EVN phải bán rẻ EVN Telecom cho Viettel. Mặt khác, theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, tính đến hết ngày 31/1/2012, các khoản đầu tư tài chính dài hạn của EVN lên tới gần 50.000 tỷ đồng, trong đó chiếm gần 90% là vào những công ty con nhưng tỷ lệ lợi nhuận trên vốn đầu tư chỉ đạt hơn 1%.
Như vậy, để bù lỗ, EVN chỉ đơn giản thực hiện một động tác là tăng giá điện khiến người dân phải còn lưng ra cõng nợ, bù lỗ cho EVN, dẫu biết trong giai đoạn này là cực kỳ khó khăn. Trong khi đó, hiếm khi thấy tập đoàn này đưa ra những kế hoạch tiết kiệm chi tiêu, nâng cao trình độ quản lý hay giảm thiểu tổn thất điện năng…?!
Huy Anh tổng hợp
Từ Khóa :