Cuối cùng “Thái sư Trần Thủ Độ” cũng được ra mắt “hậu thế”
Thuận Thục
12:19 2/10/2013
Sau 3 năm trời lỡ hẹn, bộ phim được đầu tư 56 tỷ đồng để kịp chiếu vào tháng 10/2010, mừng đại lễ 1000 Thăng Long cũng gian nan có được lịch lên sóng vào 21/10/2013 trên kênh VTV1. Có điều bộ phim có còn nguyên giá trị và ý nghĩa với mấy chục tỷ đồng đầu tư hay không, chắc ai cũng biết.
Được UBND thành phố Hà Nội đặt hàng Hãng phim truyện I Việt Nam sản xuất 34 tập phim từ đầu năm 2009, “Thái sư Trần Thủ Độ” được chuẩn bị trước đó gần 3 năm trời và có cả một số phân đoạn được quay tại trường quay Hoành Điếm của phía Trung Quốc, theo như lời nhà sản xuất, ông Đặng Tất Bình, cho biết.

Còn đạo diễn Đào Duy Phúc cũng thừa nhận trên Soha, thông qua đợt quay phim tại Trung Quốc, ông và đoàn phim đã tích lũy và học hỏi được những kinh nghiệm về làm phim lịch sử. Vì vậy, bộ phim cũng không tránh khỏi một số khiếm khuyết nên rất mong khán giả đừng quá khắt khe bởi bộ phim vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
Bộ phim xoay quanh một mối tình đẹp, cùng những biến cố lịch sử bi hùng của một Thăng Long đầy hào khí đầu thế kỷ XIII. “Thái sư Trần Thủ Độ” được thực hiện với sự tham gia diễn xuất của 120 diễn viên trong Nam, ngoài Bắc và hàng nghìn diễn viên quần chúng. 3 vai chính của bộ phim được trao cho Thiên Bảo, Lã Thanh Huyền, Hứa Vỹ Văn.
|
Tuy chưa được công chiếu nhưng bộ phim đã được “an ủi” khi “ẵm” 3 giải Cánh diều Vàng tại Lễ trao giải điện ảnh Cánh diều năm 2012 gồm Phim truyền hình xuất sắc nhất, biên kịch xuất nhất cho ông Nguyễn Mạnh Tuấn và đạo diễn Đào Duy Phúc cũng giành giải Đạo diễn xuất sắc nhất thể loại phim truyền hình.
Lý do khiến bộ phim “lỡ hẹn” cũng chưa thật sự rõ ràng, nhưng cũng có một số ý kiến cho rằng bộ phim đã đi sai hướng ngay từ đầu, khi kỷ niệm 1000 năm thủ đô được sinh ra từ Chiếu dời đô của vị vua mở đầu triều Lý, người ta lại làm phim về vị Thái sư theo sách sử được coi là người đặt dấu chấm hết cho triều đại này. Thế nên hành trình của bộ phim không “hanh thông” là đúng.
Vì cái sự “nghịch” mắt này mà bộ phim làm xong không kịp chiếu đến nỗi đã bỏ qua cả chuyện bán bản quyền để “biếu không” đài truyền hình phát sóng mà cũng không xong. Nhưng cuối cùng thì “Thái sư Trần Thủ Độ” cũng ra mắt “hậu thế”. Chưa biết “con cháu” Ngài có vui hay không nhưng những người có trách nhiệm thì “mừng vui khôn tả”. Bởi chỉ làm một con toán sơ sơ với mức đầu tư 56 tỷ đồng cách đây 3 năm, lãi suất ngân hàng khoảng 10%/năm thì đến giờ số tiền dành cho bộ phim phải lên đến 70 tỷ đồng chứ chẳng còn như con số ban đầu.
Trong khi giá trị tiền bạc thì tăng lên nhưng giá trị tinh thần cũng như ý nghĩa của bộ phim lại đang giảm xuống không phanh, thì dù có muốn “phớt lờ” chuyện này… thực chất cũng chẳng sao. Nếu lần này “Thái sư Trần Thủ Độ” không ra rạp, cũng không ai bị xuống chức hay kiểm điểm mà chỉ làm dài thêm danh sách phim “cất kho”. Câu chuyện về những bộ phim tốn hàng chục tỷ đồng hầu hết đều có kết cục giống nhau đến nỗi nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín, giám đốc hãng phim tư nhân Chánh Phương cũng phải xót xa thốt lên: “Phim nhà nước thất bại nhiều quá! Tiền của dân mà làm phim thua lỗ hoài, giống như nước đổ lá môn thì làm sao chịu nổi”.

Vì thế, để “Thái sư Trần Thủ Độ” lên sóng tại bất kỳ đài truyền hình nào cũng đã là một “nỗ lực” của những người có liên quan. Cho dù, sau lần phát sóng này, “Thái sư” trị giá 56 tỷ có được “lên” tiếp ở những đài khác không thì chưa rõ nhưng đã được tiếng là “tiền dân” phục vụ dân rồi nhé, còn hơn khối phim khác cất kho. Còn dân có thấy được “thỏa mãn” hay không, ít nhất là về mặt giải trí thì đấy không phải là việc của người đặt hàng.
Thuận Thục
Từ Khóa :