Có nên “cách tân” những món ăn truyền thống?
Với nhiều người lớn tuổi, một món ăn truyền thống phải giữ đúng hương vị, và cứ như vậy mãi mãi. Thế nhưng với lớp trẻ ngày nay, ăn mãi một món cũng ngán nên họ thường tự cho phép mình “cách tân” món ăn bằng chuyện thêm thắt nguyên liệu gia vị. Bởi vậy mà các hàng ăn cũng luôn phải đáp ứng nhu cầu thực khách. Làm vậy, liệu “có tội” với những món ăn đã đi vào văn chương hay không?
Cuộc sống giờ đã khác. Mẹ tôi cũng vì quá bận bịu nên không có nhiều thời gian với việc nấu nướng nữa, nhưng trong những món ăn mẹ nấu vẫn còn đó những điều được lưu giữ qua "giáo dục gia đình". Thả mình vào cuộc sống bận rộn xô bồ, người ta cũng không thể so bì với những thế hệ trước, phần lớn chỉ cơm đường cháo chợ mà ít khi có được bữa cơm ngon lành ở nhà.



Mỗi món ăn, dù ở đâu cũng đều xuất phát từ những phương pháp nấu nướng, gia giảm truyền thống được đúc kết và truyền lại nhiều đời. Nhiều người đã nhăn mặt khi thấy vị khách bàn bên đòi một bát quất để ăn với phở bò, tuy nhiên, sự “cách tân” ấy cũng đã được khối người khác chấp nhận. Thậm chí có người còn kêu ca: nếu vào hàng bắt người ta phục vụ quẩy khi bạn ăn bún ngan thì thực sự nó... chẳng ra thể thống gì.

Nhiều người, nhiều bài viết chê trách những "thói ăn uống mới của người Việt" nhưng tôi nghĩ đơn giản là chúng ta nên tách ra giữa "truyền thống" và "hiện đại". Tôi tôn trọng những sự "cách tân trong ẩm thực" vì nó vẫn đang hàng ngày phục vụ một bộ phận không nhỏ người dân. Và tôi tôn trọng "cảm nhận ẩm thực" của riêng từng cá nhân. Tôi không muốn tranh biện đúng sai giữa việc một người thích chấm lòng lợn với nước mắm còn người khác thích chấm muối tiêu chanh. Nhưng dù gì, không có dọc hành củ với rau húng thì cũng vứt.
Vậy nên nếu một ngày, tôi có con, tôi sẽ dạy nó những giá trị truyền thống và giới thiệu cho nó những giá trị cách tân. Chỉ hiểu biết rõ ràng và đúng đắn mới có thể phân định và cảm nhận đúng đắn, để không biến đồ ăn của mình thành "lẩu thập cẩm" hoặc biến mình thành "thực bất chi kì vị".
Anh Tuấn