Chống chuyển giá: ‘Đương nhiên lúng túng vì khung pháp lý, thể chế của chúng ta chưa đầy đủ’



Chống chuyển giá: ‘Đương nhiên lúng túng vì khung pháp lý, thể chế của chúng ta chưa đầy đủ’

Thùy Dương 0:7 6/1/2013

Trả lời câu hỏi việc để tình trạng chuyển giá và doanh nghiệp bỏ trốn đã trở thành nhức nhối thì Bộ Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) mới lo đi chống thì e đã thể hiện sự lúng túng của các cơ quan chức năng Việt Nam, Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh cho biết công tác quản lý của Việt Nam đang gặp khó khăn do khung pháp lý về FDI chưa đầy đủ, chồng chéo, mâu thuẫn, khi có việc thì không biết tìm luật nào để xử lý.

Cuối cùng, sau 20 năm đổi mới và cũng chừng ấy thời gian nhiều doanh nghiệp FDI có dấu hiệu chuyển giá, đến nay, trong buổi họp báo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và phát triển doanh nghiệp năm 2012, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng, Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) cho biết vẫn đang tích cực họp bàn với Bộ Tài chính về vấn đề này. Tuy nhiên, kết quả cũng chưa có gì vì mới dừng ở mức trao đổi cấp chuyên viên với một vài cái đề xuất. Đề án chống chuyển giá thì vừa trình Chính phủ xong. 
 
Ông Đỗ Nhất Hoàng cho hay ngăn chặn hoạt động chuyển giá của các doanh nghiệp chỉ là một trong những nội dung trong chống thất thu vì doanh nghiệp rất lắm phương kế né thuế nên cần có sự phối hợp của nhiều bộ, ngành. Tuy nhiên, nếu chỉ cho chung tất cả vào một giỏ mà không quy định rõ trách nhiệm cũng như xử phạt nếu không hoàn thành trách nhiệm ấy cho mỗi cơ quan thì rốt cuộc khung pháp lý hay sự phối hợp mới chỉ dừng ở một hỗn hợp dễ bong tróc.
Chuyện rút giấy phép có thể còn xa. Ít nhất qua lời khẳng định của ông Đỗ Nhất Hoàng rằng khó khăn kinh tế là của chung nên doanh nghiệp lỗ là đương nhiên, nếu cứ rút giấy phép tràn lan sẽ ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư. Vì vậy, cần có công tác xác định lỗ thật, lỗ giả cho doanh nghiệp.
Bộ trưởng thừa nhận có hiện tượng doanh nghiệp vay tín dụng trong nước rồi bỏ trốn, để lại nợ xấu cho ngân hàng và nợ lương của người lao động xảy ra ở một số địa phương, một số KCN, song không cao. Dù vậy, xử lý vẫn rất phức tạp, gây bức xúc dư luận, cần phải tham khảo kinh nghiệm của quốc tế để phòng ngừa, hợp tác với nước sở tại để truy tìm chủ doanh nghiệp bỏ trốn. 
 
Còn theo lời Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, chúng ta thiếu thẩm phán giỏi ngoại ngữ, am hiểu luật quốc tế và rành rẽ về luật kinh tế để xét xử các vụ án liên quan đến doanh nghiệp FDI khi doanh nghiệp muốn đưa ra xét xử ở nước ngoài. Trong khi đó, Việt Nam đã rất nhiều lần phải đấu tranh ở các tòa án quốc tế trong các vấn đề như chống bán phá giá, tranh chấp thương hiệu,… hay đang rất muốn đưa vấn đề tranh chấp lãnh hải trước công luận thế giới.
 
Bộ KH-ĐT cho biết đang đề xuất việc hoàn thiện khung pháp lý, tuyên truyền để các doanh nghiệp hạn chế chuyển giá, xây dựng đội ngũ chuyên viên đủ năng lực đáp ứng yêu cầu và thực hiện các cuộc kiểm tra chống chuyển giá. Ông Hoàng còn cho biết sẽ đề xuất xây dựng bộ cơ sở dữ liệu so sánh giá với các nước xung quanh. Tuy nhiên, ông không quên nhấn mạnh rằng, cũng như nhiều nước khác, muốn có bộ dữ liệu thì phải… đi mua. Nói tóm lại thì công tác nào cũng tốn kém, cả thời gian và tiền bạc!
Chống chuyển giá đã được nhà nước quy định thành văn bản pháp luật từ năm 1997, hiện đang chịu sự điều chỉnh của Thông tư  66/2010/TT-BTC ngày 22/4/2010  của Bộ Tài chính.
 
 
 

Thùy Dương

Từ Khóa :