“Chạy” trường vì thiếu niềm tin về chất lượng giáo dục
Hải Băng
21:30 2/10/2013
Với số tiền khoảng 3.000 USD và có mối dẫn dắt phù hợp là phụ huynh có thể “chạy” cho con vào học một trường tiểu học danh tiếng. Điều đáng nói là chi phí hối lộ này đã trở thành một khoản bất thành văn, một chuẩn mực có sẵn trong suy nghĩ của nhiều người .
Theo Vietnamnet, trong khảo sát về “tham nhũng trong giáo dục phổ thông” của nhóm cán bộ tổ chức Hướng Tới Minh Bạch tại Việt Nam thì có khoảng 30% phụ huynh tìm cách xin cho con vào học tại các trường “điểm” trái tuyến. Điều này đã khiến hình thành một “hệ thống ngầm” là những người môi giới để xúc tiến quá trình này.
Nguyên nhân đầu tiên khiến xuất hiện tình trạng “chạy” trường là do nhu cầu cao, nhiều người chấp nhận bỏ tiền một số tiền lớn. Theo khảo sát có tới 67% phụ huynh cho rằng chuyện này là chuyện bình thường.
Như Sống Mới đã từng đề cập đến, anh Tuấn ở Kim Đồng mà sẵn sàng bỏ ra 3.000 USD chỉ để cho con vào học một trường tiểu học điểm ở quận. Hay như trường hợp bà Trần Thị Phúc, 56 tuổi, ở quận 8, TP.HCM, mà báo Tiền Phong phản ánh đã cố gắng chạy hộ khẩu về quận 5 để cháu gái có thể vào học lớp 6 trường THCS Mạch Kiếm Hùng ở quận 5 chỉ vì nghe nói trường “điểm” tốt hơn.
Cũng theo bản báo cáo này thì nguyên nhân sâu xa của nhu cầu này được hình thành là do sự thiếu tin tưởng vào hệ thống giáo dục công ở Việt Nam. Nhiều bậc phụ huynh cho rằng các trường công hiện nay không có khả năng đáp ứng đầy đủ chất lượng giáo dục cho học sinh. Chính vì vậy, họ cố chạy cho con vào những trường “điểm”, trường danh tiếng vì nghĩ rằng những trường này có môi trường giáo dục tốt hơn.
Chính những hành vi như “chạy” trường, “chạy” hộ khẩu này đã khiến cho tham nhũng trở thành chuẩn mực xã hội hơn là ngoại lệ. Ngay cả những biện pháp hành chính như văn bản chỉ đạo của Bộ, Sở GD&ĐT đề có thể ngăn ngừa việc này cũng chỉ đưa ra cho có vì hiệu quả đem lại thường chỉ trong thời gian ngắn và rất khiêm tốn. Chẳng hạn như vấn đề học sinh trái tuyến ngày càng gia tăng lấn át cả học sinh đúng tuyến khiến nhiều lớp trong tình trạng “quá tải” đã tồn tại từ lâu nhưng đến nay vấn đề này vẫn chưa được giải quyết.
Theo Giáo dục TP.HCM, năm học 2012 - 2013, trường TH Phù Đổng, tại Đà Nẵng có gần 3.000 HS, nhưng chỉ có 1.400 HS nội tuyến còn lại khoảng 1.600 HS học trái tuyến. Sang năm học tới, điều tra phổ cập của trường có 382 HS có hộ khẩu tại địa bàn tuyển sinh trong độ tuổi vào lớp 1, nhưng hiện có đến 481 hồ sơ đăng ký nhập học. Trong khi đó, một số trường xa trung tâm hơn một chút lại rơi vào tình trạng thiếu hụt triền miên HS theo chỉ tiêu tuyển sinh.
Vấn đề “hối lộ” để cho con vào trường "điểm" đã được coi là chuyện thường ngày trong xã hội hiện nay. Tuy nhiên phần lớn chỉ có các gia đình khá giả, có điều kiện mới thực hiện được nên đã tạo ra sự bất bình đẳng trong giáo dục. Nhiều trẻ em ở các gia đình nghèo phải chịu thiệt thòi hơn, dù đúng tuyến nhưng cũng bị “đẩy ra” do không đủ sức chen chân, còn trường học luôn “quá tải” học sinh.
Ngoài ra, thực tế cho thấy có rất nhiều em học sinh dù hoàn cảnh khó khăn vẫn có thể thi đỗ đại học. Việc các em học sinh có học tốt được hay không quan trọng cũng là dựa trên sự nỗ lực của bản thân các em. Nhưng có lẽ sâu xa hơn cả là cần một quy hoạch giáo dục đúng nghĩa cả về số lượng cũng như chất lượng, và cần hơn nữa là một sự đồng đều trong đầu tư cũng như quản lý chất lượng, khi đó mới không có sự so bì, cũng như không lo thiếu trường thiếu lớp, có vậy mới không còn chuyện “mua trường bán suất”.
Hải Băng
Từ Khóa :