Chào kỷ nguyên của vũ trụ ảo



Chào kỷ nguyên của vũ trụ ảo

Phạm Thành Nhân 22:17 1/2/2022

Trưa 28/10/2021 (giờ Mỹ), Mark Zuckerberg - người sáng lập Facebook - chính thức thông báo với toàn thế giới: Tập đoàn Facebook đổi tên thành Meta với logo Infinity (Vô tận) cách điệu. Trong bài viết dài đăng trên Facebook cá nhân, Mark Zuckerberg nhắc nhiều đến metaverse (vũ trụ ảo), khái niệm ngày càng rõ nét trong cộng đồng công nghệ và là phiên bản nâng cấp không giới hạn của thế giới số hiện nay.

Xin chào GenZ

Nếu đang ở độ tuổi 40, có thể bạn còn nhớ đến những tựa game như: Contra, Super Mario (hái nấm), Duck Hunt (bắn vịt)... từng một thời khiến bọn trẻ mê mẩn đến quên ăn quên ngủ. Thế nhưng, so với những tựa game ngày nay, đồ họa, âm thanh, khả năng tương tác... của những trò chơi ấy đã thuộc vào hàng... cổ đại. Nếu có dịp nghía thử vào màn hình của con em chúng ta để xem trò chơi Flight Simulator chẳng hạn, bạn sẽ ngẩn ngơ trước một thế giới được tái hiện chính xác như thế giới thực ta đang sống, từ sông hồ, biển cả đến tượng chúa ở Brazil, các tòa nhà chọc trời khắp thế giới. Gen Z (những người sinh từ giữa thập niên 1990 đến đầu thập niên 2010) hôm nay có thể trò chuyện với nhau trên game - trò chuyện thực sự chứ không phải chỉ là những dòng văn bản, lập đội đi chiến đấu cùng nhau, ngắm cảnh, thậm chí là tán tỉnh nhau... Và không chỉ có vậy.

Trong những ngày tháng giãn cách xã hội và đại dịch COVD-19, trong khi ngành du lịch khắp thế giới bị đình trệ, thì một ngành khác đã lên ngôi: du lịch thực tế ảo (virtual tour) kết hợp giữa công nghệ 3D và công nghệ thực tế ảo (VR). Không cần rời nhà, bạn vẫn có thể đến thăm hang Sơn Đoòng, trải nghiệm leo núi, ngắm bình minh, nghe tiếng côn trùng rả rích. Khi chuyến du lịch ấy được nâng cấp từ phiên bản kỹ thuật số lên phiên bản vũ trụ ảo, bạn có thể cùng đi với người thân ở tỉnh khác hoặc bạn bè ở quốc gia khác; có thể trò chuyện và cùng nhau chinh phục các thử thách trên hành trình. Nếu thích, bạn có thể mua một món quà lưu niệm mang về trang trí cho ngôi nhà của mình trong vũ trụ ảo. Thay vì ngồi tại nhà họp trực tuyến bằng cách nhìn vào màn hình, gen Z trong vũ trụ ảo có thể chọn một bộ cánh thật đẹp để đến văn phòng họp với đồng nghiệp mà không lo phải tiếp xúc.

Nếu đến giờ bạn vẫn nghĩ những điều đó chỉ có thể xảy ra trong tưởng tượng hoặc những bộ phim khoa học giả tưởng của Hollywood, thì xin thưa ngành công nghiệp thời trang, bao gồm các ngành công nghiệp phụ trợ cùng khách hàng đã bước ít nhất một chân vào vũ trụ ảo. Ứng dụng công nghệ blockchain, các bộ trang phục, giày dép, túi xách, phụ kiện... NFT (non-fungible tokens) đã được số hóa và định danh đã xuất hiện trong vũ trụ ảo cho khách hàng chọn lựa, mua sắm. Để làm ra những sản phẩm ấy, nguyên liệu ảo với đủ màu sắc, đặc tính cũng đã được các nhà thiết kế sáng tạo ra. Với việc mỗi sản phẩm là duy nhất, người ta đã sẵn sàng mua bán, sưu tầm chúng đưa vào bộ sưu tập của mình. Những tác phẩm hội họa, điêu khắc NFT cũng đã xuất hiện. Dù bạn chưa từng nghe, chưa từng sở hữu chúng, thì chúng đã đó, trong vũ trụ ảo của tương lai rất gần. Những trung tâm dữ liệu, hệ thống máy chủ khổng lồ vẫn ở đó, sẵn sàng phục vụ.

Chúng ta của ngày mai

Bạn có thể không thích thế giới mạng, có thể ủng hộ trào lưu bỏ phố về rừng, nương tựa thiên nhiên, sống thuận tự nhiên... Nhưng điều chắc chắn là bạn sẽ không thể từ chối, tách mình khỏi công nghệ số, trừ khi bạn quyết định bản thân và gia đình sẽ như... người tiền sử. Vì cho dù sống trong rừng, bạn vẫn cần liên lạc, cần kết nối 4G, 5G và hẳn bạn đã biết nhiều người ở rừng vẫn thường xuyên chia sẻ cuộc sống, sinh hoạt lên Facebook hoặc YouTube.

Trong thế giới số, chúng ta kết nối được người thân trong vùng phong tỏa, biết được diễn biến dịch ở các nơi, sự khó khăn của lực lượng tuyến đầu... Những ngày đồng bào đổ xô về quê, qua mạng, hành trình của họ được cập nhật để người dân các địa phương, chính quyền hỗ trợ. Không gian mạng cho phép con em chúng ta tiếp tục học tập, chuẩn bị cho tương lai. Chắc bạn cũng chưa quên những hội nhóm giúp nhau đi chợ, chia sẻ rau củ, thực phẩm...

Hôm nay, dẫu mà đại dịch vẫn quẩn quanh, ta đã học được cách thích ứng để tồn tại, ứng dụng công nghệ để chăm lo cho bản thân và gia đình. Sau những tháng ngày giãn cách, người mẹ vốn "mù Công nghệ” của tôi đã biết cách đặt hàng online, đăng ký internet banking để "đi shopping” mỗi khi bà thích và vẫn đều đặn gọi video call nhóm để tâm sự với con cháu, dặn dò từng đứa giữ sức khỏe, thậm chí bật loa hát cho bọn nhỏ nghe.

Hôm nay, chúng ta đã biết cách quản lý, chăm sóc, tư vấn điều trị cho F0 qua mạng thay vì phải tập trung tất cả vào bệnh viện dã chiến. Các dịch vụ ăn uống, quán xá... đã biết lên sàn thương mại điện tử tìm khách. Xu thế thanh toán không tiền mặt nhờ đại dịch mà tiến nhanh hơn...

Bạn có thể vẫn không thích thế giới mạng, không muốn phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ. Đó là lựa chọn được tôn trọng. Nhưng xin bạn nhớ, công nghệ được nghiên cứu, phát triển để phục vụ cho loài người và để bất cứ lúc nào bạn cũng có thể truy cập được các tiện ích của chúng. Bạn cũng cần biết và kiểm soát vũ trụ ảo, bởi con cháu chúng ta sẽ sống ở đó. Xa hơn, trong vũ trụ ảo, bạn vẫn ở giữa rừng sâu hoặc nơi hải đảo mà có thể gặp gỡ bác sĩ riêng hay vào cửa hàng thời trang xa xỉ tậu cho mình bộ cánh vừa vặn, vì đã được AI (trí tuệ nhân tạo) tính toán chính xác các chỉ số.

Nếu yêu thể thao, bạn sẽ có huấn luyện viên thể hình ngay trong nhà để cùng tập luyện. Một gia sư sẽ cùng con bạn học đàn dù cả hai vẫn ở hai nơi. Đó không phải chuyện viển vông khi Mark Zuckerberg và các tập đoàn công nghệ đã bắt tay vào việc. Như Mark dự báo, trong thập niên tới, hàng triệu việc làm sẽ xuất hiện cho các nhà sáng tạo nội dung và vũ trụ ảo sẽ ngày càng gần gũi với hoạt động thường nhật của bạn. Vấn đề còn lại là bạn chọn tiếp nhận bao nhiêu để tốt nhất cho mình. Bởi suy cho cùng, chúng ta nên làm chủ công nghệ thay vì để chúng làm chủ ta như trong phim khoa học viễn tưởng.


Phạm Thành Nhân

Báo Phụ Nữ số Tết 2022

Từ Khóa : thực tế ảo