Cách nông trại hữu cơ có thể giao hàng ngay trong ngày thu hoạch
Lục Kiếm
18:1 25/9/2016
Quả kiwi, ổi, dâu tằm… Đó là những trái cây vốn không tồn tại ở Bangalore (Ấn Độ). Tuy nhiên, thực tế, chúng không chỉ tồn tại mà còn phát triển mạnh trong nông trại hữu cơ của S. Madhusudhan ở ngoại ô thành phố.
Varshini D., một bà nội trợ ở Bangalore, có thói quen mua đồ tươi hàng ngày. Cô thường mua rau ở siêu thị, nhưng không thấy hài lòng: nó không được tươi (chỉ là sự “tươi giả tạo” được giữ bằng nhiệt độ lạnh). Cô rất hài lòng khi phát hiện ra một nông trại giao sản phẩm ngay trong ngày vừa thu hoạch.
Trước khi lập nên startup Back2basics, Madhusudhan làm trong ngành quảng cáo và tiếp thị ở Bharti Airtel và Manipal Group, nơi ông giữ chức Phó Chủ tịch tiếp thị toàn cầu. Nhưng những tháng ngày tưởng như vinh quang đó lại vắt kiệt cơ thể ông. Sau khi bị ngất trong văn phòng, Madhusudhan, 55 tuổi, buộc phải nhìn lại cách sống của mình. Trong quá trình chữa bệnh, bác sĩ khuyên ông nên tăng cường hoạt động, nghỉ ngơi và thư giãn. Ông chọn làm vườn.
Trên mảnh đất nhỏ, ông bắt đầu trồng những luống rau không dùng đến thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật. Dần dần, vườn rau nhỏ đó của ông làm ra nhiều hơn cả lượng mà gia đình ông có thể tiêu thụ. Ông quyết định phân phối sản phẩm đến bạn bè và gia đình họ. Cũng chính những vị khách đầu tiên này đã khuyến khích ông chuyển sang trồng trọt toàn thời gian.
Sự thật đắng về thực phẩm
Năm 2010, Madhusudhan bắt đầu nghiên cứu canh tác hữu cơ và thị trường ở Ấn Độ. Ông nhận thấy rằng phần đông người tiêu dùng không biết nguồn gốc thực sự của thực phẩm.
Nhiều nhà bán lẻ “tô vàng nạm ngọc” về thực phẩm họ cung cấp, nào sạch, nào không thuốc, nào là hàng nhập từ những vùng núi, để đẩy giá lên cao. Thực tế, “rau diếp bạn ăn ở Bangalore không đến từ Ooty hay Garhwal, mà rất có thể là từ một trong những trang trại sử dụng nguồn nước từ các hồ ô nhiễm ở Bangalore”, ông nói, và cho biết từng chứng kiến cà rốt được rửa bằng nước bẩn ở hồ. Ông cũng biết rằng phần lớn nhà bán lẻ sản phẩm hữu cơ chỉ là nhà phân phối, họ không bán sản phẩm họ tự trồng. Điều đó đặt ra quan ngại về nguồn gốc sản phẩm họ thu mua.
Năm 2011, Madhusudan bắt đầu mở Back2basics, một công ty ở Bangalore trực tiếp sản xuất và phân phối tới tay người tiêu dùng. Đặc biệt, họ phân phối thực phẩm trong cùng ngày thu hoạch.
Trên 100ha đất, công ty đã trồng 90 sản phẩm theo mùa, không dùng chất hóa học, vượt qua được cả sự kiểm tra ngặt nghèo của EU để tiếp cận thị trường châu Âu và Singapore.
Đến nơi có khách hàng
Đến cuối năm 2015, mọi chuyện về cơ bản tiến triển thuận lợi. Nhưng con gái của Madhusudhan, Bhairavi, nhận thấy rằng dù công ty đang hoạt động tốt, nhưng vẫn còn khoảng cách giữa sản xuất và phân phối đến người dùng cuối. Người tiêu dùng hoặc không biết mình mua sản phẩm của Back2basics, hoặc hoài nghi về lợi ích của rau củ hữu cơ.
Tháng 1/2016, Bhairavi, 25 tuổi, từ chức khỏi công việc ở một quỹ đầu tư, và gia nhập Back2basics. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, Back2basics quy hoạch lại hệ thống giao hàng từ hai lần một tuần lên 6 ngày trong tuần, cho khắp vùng Bangalore. “Chỉ trong 45 ngày, chúng tôi đã đạt 300 đơn hàng/ngày, với 60% khách hàng quay lại”, cô tự hào nói.

Người sáng lập S. Madhusudhan và con gái Bhairavi
Back2basics tiến quân vào thị trường B2C (các giao dịch thương mại giữa các doanh nghiệp) để thay đổi nhận thức về sản phẩm hữu cơ, đưa con người đến gần với nguồn thức ăn tự nhiên hơn, và làm giá thấp hơn bằng cách bán hàng trực tiếp. Bhairavi nói: Mọi người đều có thể đến thăm và quan sát cách chúng tôi trồng trọt hữu cơ như thế nào, thậm chí có quyền chọn lựa sản phẩm ngay tại nông trại.
Nông trại không chất thải
Back2basics sử dụng phân bón nông nghiệp tự nhiên như chất thải gia súc, gia cầm, cây mục. Mỗi trang trại đều được bao bọc bởi hào nước, giúp cho việc tưới tiêu cũng như tích trữ nước. Điều này làm tăng mực nước ngầm và làm giảm số lần tưới. Một hệ thống giếng khoan đảm bảo cung cấp đủ nước ngay cả trong mùa khô. Tất cả chất thải đều được xử lý. Thân và lá ngô, tăng cường sữa cho bò, được đem đến một tổ chức nuôi 5.000 gia súc ở địa phương, hoặc ủ thành bùn, phân bón. “Chất thải là tài sản quý giá”, Madhusudhan nói, ám chỉ về cách làm nông nghiệp xưa vốn có cách quay vòng rất hoàn hảo.
Rau củ quả được trồng theo từng khối, tách rời quá trình thu hoạch. Như vậy, khi nhóm này đến lúc thu hoạch thì cũng không ảnh hưởng đến nhóm khác, cũng như tránh chèn ép giữa các giống loài. Điều này giải thích tại sao Back2basics hoạt động mà không cần dùng thiết bị bảo quản.
Tuy nhiên, Madhusudhan nhận ra rằng những gì công ty đạt được vẫn chưa đủ để không chỉ làm ra sản phẩm chất lượng, mà còn phải tươi khi đến tay người tiêu dùng. Để giải quyết vấn đề này, Back2basics mở ra hệ thống logistics của mình với các nhân viên chuyên nghiệp.

Đơn hàng được tổng hợp vào cuối mỗi ngày và gửi cho người giám sát trang trại. Thu hoạch bắt đầu lúc 1h30 nên sản phẩm có thể đến trung tâm làm sạch, phân loại, phân theo đơn hàng, trước bình minh. Từ đó, đi đến trước cửa nhà ngay trong ngày (với đơn hàng xa hơn thì sẽ có trong 48 tiếng sau thu hoạch).
Kiểm soát chuỗi cung ứng từ hạt giống đến giao hàng tới người tiêu dùng cuối cùng mang lại cho Back2basics lợi thế đặc biệt để duy trì tính thống nhất và nhất quán trong hương vị, màu sắc, kết cấu, độ hoàn thiện của sản phẩm.

Bhairavi cho hay: “Sản xuất hữu cơ ở Ấn Độ vẫn đi qua nhiều khâu trung gian, mỗi nút lại thêm một mức chi phí, khiến cho sản phẩm hữu cơ trở nên tốn kém, nhiều khi, sản phẩm tới tay người tiêu dùng giá đã tăng gấp đôi, gấp ba so với giá trị thực.” Một khi giải quyết được vấn đề này, Back2basics chứng minh cho mọi người thấy rằng: không nhất thiết phải trả giá cao để được ăn “sạch”.
Ở một đất nước mà nhận thức về nông nghiệp hữu cơ còn thấp, thị trường phân mảnh cao, thì những doanh nghiệp như Back2basics sẽ là bài học vô giá cho người nông dân và người tiêu dùng hiểu về nông nghiệp bền vững và thực phẩm lành mạnh. Nghiên cứu của Assocham cho thấy rằng, khi thông tin đầy đủ hơn, thị trường thực phẩm hữu cơ có thể tăng trưởng 25% hàng năm, đạt giá trị 1,36 tỷ USD vào năm 2020.
Xem thêm:
Lục Kiếm
Từ Khóa :